Mỹ đã xây dựng "Lệnh trừng phạt địa ngục" đối với Nga nhắm vào lĩnh vực khoa học và thực hiện các bước đi khiến công nghiệp quốc phòng Nga không thể tiếp cận với công nghệ phương Tây, dự kiến chúng sẽ sớm được thông qua trong tương lai gần.
Biện pháp trừng phạt mới cũng được cho là nhắm vào “các tác nhân mạng độc hại” và được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo các công ty Mỹ rằng, những cuộc tấn công mạng của Nga có khả năng sắp xảy ra.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào cỗ máy chiến tranh của Nga bằng các biện pháp trừng phạt từ mọi góc độ, cho đến khi cuộc chiến này kết thúc”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố chính thức.
Bộ Tài chính khẳng định: “Mỹ tiếp tục áp đặt những biện pháp nhằm gây ra chi phí nặng nề đối với Nga vì cuộc chiến chống lại Ukraine bằng cách nhắm mục tiêu vào các nhà khai thác trong lĩnh vực công nghệ của nước này".
"Mục tiêu của những biện pháp hạn chế quyết liệt hơn nhằm ngăn nước này trốn tránh các lệnh trừng phạt đa phương và mua sắm công nghệ quan trọng của phương Tây phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng”.
Các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra đối với 21 thực thể và 13 cá nhân. Trong số những doanh nghiệp nhắm đến có Công ty Cổ phần Mikron, nhà sản xuất chip lớn nhất ở Nga và là nhà xuất khẩu các thiết bị và dụng cụ vi điện tử.
Tất cả các công ty là mục tiêu trong lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ không thể kinh doanh với các tổ chức hoặc doanh nghiệp Mỹ nữa, thậm chí còn mở rộng hơn tới nhiều doanh nghiệp thuộc nước thứ ba.
Ngoài ra lệnh trừng phạt còn nhắm vào công ty Serniya Engineering và nhà sản xuất thiết bị công nghệ Sertal - Mỹ cáo buộc cả hai đều là một phần của mạng lưới rộng lớn được thiết kế để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây và giữ cho thiết bị cũng như công nghệ cao chảy sang Nga.
Trong một thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ, các doanh nghiệp được cho là thuộc mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga được thống kê và giải thích rất chi tiết.
Bản thông cáo mô tả cách thức công ty Serniya Engineering có trụ sở tại Moskva là trung tâm của “mạng lưới mua sắm tham gia vào các hoạt động phổ biến vũ khí theo chỉ đạo của Cơ quan Tình báo Nga”.
Mạng lưới này được cho là hoạt động trên một số quốc gia và đang hỗ trợ người dùng cuối là Cơ quan Tình báo và Quân đội Nga, những người phụ thuộc vào công nghệ phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
"Serniya Engineering đã mua sắm các thiết bị và công nghệ lưỡng dụng không còn được phép cung cấp cho thị trường Nga, đồng thời chuyển giao chúng cho lĩnh vực quốc phòng của nước này".
Ngoài ra Robin Treid có trụ sở tại Nga, Majory cùng Photon Pro có trụ sở tại Vương quốc Anh và Invention Bridge đặt tại Tây Ban Nha cũng bị cáo buộc là các công ty bình phong được Serniya sử dụng để tạo điều kiện mua sắm các thiết bị quan trọng cho Chính phủ Liên bang Nga (GoR).
"Trong tháng qua, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đã đặt ra các hạn chế liên quan đến xuất khẩu đối với Serniya, Sertal và Photon Pro", thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ giải thích.
Việt Dũng