Mỹ và Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại ở khu vực Thái Bình Dương

Trong khi Mỹ đang chuẩn bị cho chính sách kinh tế mới ở khu vực Thái Bình Dương thì Trung Quốc chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trang Bloomberg dẫn tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục thể hiện cam kết gia tăng ảnh hưởng ở châu Á, tài trợ hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 và đẩy mạnh cam kết quân sự.

Ảnh minh họa. Nguồn:

Ảnh minh họa. Nguồn:

Khi các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương tham gia thượng đỉnh kinh tế thường niên trong tuần này, chính quyền Tổng thống Biden đã nêu rõ tầm nhìn kinh tế của Mỹ đối với khu vực kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại 11 quốc gia thành viên ở Thái Bình Dương. Gần đây, Mỹ đang chuẩn bị cho chính sách kinh tế mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và một số chi tiết về cách thức hoạt động sẽ tiếp tục công bố vào thời gian tới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm cách tận dụng lợi thế tham gia vào các thỏa thuận ở khu vực trong bối cảnh Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á. Vào tháng Chín, Trung Quốc đã chính thức đưa ra yêu cầu tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thỏa thuận mà cựu Tổng thống Trump đã quyết định nước Mỹ rút khỏi trong nhiệm kỳ của ông. Trong tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng Bắc Kinh có kế hoạch nộp đơn xin gia nhập hiệp ước kinh tế kỹ thuật số cùng với các đối tác của Mỹ là Singapore, Chile và New Zealand.

"Mỹ - quốc gia trước đây có phần ít tương tác với khu vực, giờ đây tiếp tục tăng tốc gia tăng ảnh hưởng", ông Deborah Elms – nhà sáng lập Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sợ tại Singapore cho biết.

Đối với Trung Quốc, việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Bắc Kinh bác bỏ các lập luận cho rằng nước này không tuân thủ các quy tắc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tham gia cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tuần tới mặc dù chưa nêu rõ ngày ấn định. Mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cải thiện trong các tháng gần đây trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á.

Trong khi đó, Đông Nam Á ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, ước tính khoảng 18% hàng hóa trong lĩnh vực máy móc điện tử và nguyên liệu thô vào năm 2019. Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2019, Mỹ chiếm khoảng 10% thương mại của ASEAN vào năm 2019, gần như không thay đổi sau một thập kỷ trước đó. Lĩnh vực mà Mỹ duy trì lợi thế đầu tư ở Đông Nam Á là sản xuất và dịch vụ tài chính, chiếm khoảng 15% trong năm 2019 – gấp 3 lần so với Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh vẫn cao hơn trong thập kỷ qua.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng tập trung nhiều vào chương trình nghị sự trong nước, bao gồm mở rộng tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 và triển khai luật kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh các ưu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong khung chính sách kinh tế, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, chính quyền Tổng thống Biden đang tập trung vào kế hoạch "khai thác các đối tác" tạo thuận lợi thương mại, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, khử carbon và quyền người lao động tại khu vực.

Gia nhập CPTPP

Tình hình chính trị tại Washington khiến việc lựa chọn phương án tìm kiếm đối tác châu Á thông qua việc tham gia trở lại CPTPP của Mỹ được đánh giá là khó khả thi.

"Việc Trung Quốc chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP sẽ khiến Washington phải nghĩ đến tình huống này để nhanh chóng giữ được vị thế", Clelia Imperial – một nhà phân tích của Bloomberg Illtelligence nhận định.

Nhiều quốc gia châu Á sẽ hoan nghênh nỗ lực của Mỹ về vấn đề kinh tế và tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa các đối tác thương mại lớn. Các quốc gia Đông Nam Á sẽ không hề muốn đưa ra lựa chọn giữa hai bên cũng như không trở nên quá phụ thuộc vào một quốc gia nào.

"Nhìn chung, mối quan hệ sâu sắc với Mỹ có thể được xem là điều kiện cần thiết để có được mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc", ông Bilahari Kausikan, một cựu ngoại giao Singapore cho biết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại trong quá trình phát triển đất nước. Tuần trước, Chủ tịch Tập cho biết Chính phủ nước này sẵn sàng đàm phán về các vấn đề như trợ cấp công nghiệp và doanh nghiệp nhà nước – các lĩnh vực mà CPTPP ban đầu dự kiến đề cập tới.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bất kỳ thỏa thuận khu vực nào cũng nên tăng cường hòa bình và "không nên nhằm vào bên thứ ba hoặc gây tổn hại đến bên thứ ba"

Mặc dù vậy, Trung Quốc có thể gặp khó khăn khi tham gia CPTPP - hiệp định sẽ tăng gấp đôi quy mô kinh tế nếu Bắc Kinh gia nhập. Giới quan sát cho rằng, khả năng Trung Quốc sẽ không đồng ý thực hiện cải cách về các vấn đề như doanh nghiệp sở hữu nhà nước, bảo hộ lao động, thương mại điện tử.

"Các thành viên CPTPP, chỉ bao gồm 4 thành viên đến từ Đông Nam Á, sẽ đánh giá đơn xin gia nhập của Trung Quốc dựa trên các tiêu chuẩn mà họ đang đạt được. Nếu Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu thì không có lý do gì để họ từ chối", ông Ian Storey – nghiên cứu cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak nhận định./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/my-va-trung-quoc-tang-cuong-quan-he-thuong-mai-o-khu-vuc-thai-binh-duong-20211110113520076.htm