Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành điều Việt Nam
Năm 2024, Mỹ đã chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam và chiếm 98% tổng lượng điều nhập khẩu của thị trường này.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 724.000 tấn hạt điều nhân, thu về 4,34 tỷ USD. So với năm 2023, xuất khẩu điều chỉ tăng 12,4% về lượng nhưng tăng mạnh 19,2% về giá trị.
Đây cũng là kỷ lục xuất khẩu của ngành điều Việt Nam, đồng thời giữ vững vị trí số 1 thế giới trong suốt 18 năm qua khi chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Năm 2024, ngành điều cũng lấy lại vị thế xuất siêu, thặng dư thương mại đạt 1,12 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Mỹ tăng 21,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với năm trước đó.
Hiện, loại hạt siêu dưỡng chất này của Việt Nam chiếm khoảng 98% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Mỹ. Còn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước ta năm 2024, thị trường Mỹ chiếm gần 26,6%.
Hạt điều là loại hạt siêu dưỡng chất chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp duy trì tốt các chức năng của cơ thể. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ cần ăn 18 hạt điều mỗi ngày sẽ cung cấp 31% đồng, 23% mangan, 20% magie, 17% photpho, 10% sắt, 8% selen và 5% vitamin cần thiết cho cơ thể. Do đó, hạt điều được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo, sản phẩm bánh mì...
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, lối sống thay đổi của người tiêu dùng và nhu cầu về thực phẩm tiện lợi. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của các thị trường lớn, trong đó có Mỹ, nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, tạo dư địa xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.