Mỹ xây lại sân bay khủng nhất hành tinh
Không quân Hoa Kỳ vừa lấy lại sân bay ở Thái Bình Dương, nơi đã từng thực hiện nhiệm vụ ném bom nguyên tử nhằm tăng cường sức mạnh tại châu Á.
Nơi đồn trú máy bay Mỹ nếu căn cứ Guam bị tấn công
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ vừa có kế hoạch đưa sân bay trên đảo Thái Bình Dương, nơi đã thực hiện các vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản trở lại hoạt động khi lực lượng này cố gắng mở rộng các lựa chọn căn cứ trong trường hợp có bất kỳ hành động tranh chấp nào với Trung Quốc và các nước đối địch, vị quan chức cấp cao của lực lượng trên ở Thái Bình Dương cho biết.
Tướng Kenneth Wilsbach, Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương, nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 12/1 rằng, sân bay phía Bắc trên đảo Tinian sẽ trở thành một căn cứ “rộng rãi” sau khi công việc được hoàn thành để tiếp nhận lại nó từ khu rừng rậm vốn đã hoang hóa quá mức. Các đơn vị Không quân Lục quân Hoa Kỳ đã rời bỏ nơi này vào năm 1946. Ông Wilsbach cho hay: “Nếu để ý trong vài tháng tới, bạn sẽ thấy sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt là ở Tinian North. Không quân cũng đang bổ sung cơ sở vật chất tại Sân bay Quốc tế Tinian ở trung tâm hòn đảo. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương đã xác nhận bình luận của Wilsbach với CNN nhưng cho biết chưa có thông cáo chính thức nào về chủ đề này. Tinian là một phần của Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana, một lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, cách Hawaii khoảng 6.000 km (3.700 dặm) về phía tây ở Thái Bình Dương. Chỉ có khoảng 3.000 người sinh sống trên hòn đảo rộng 39 dặm vuông. Theo báo cáo của Nikkei, ông Wilsbach không đưa ra mốc thời gian khi nào sân bay sẽ hoạt động.
Trước đó báo chí đưa tin, quân đội Mỹ đang khẩn trương xây dựng một căn cứ quân sự mới như một phương án dự phòng cho đảo Guam. Hình ảnh vệ tinh được thu thập cho thấy, quân đội Mỹ dường như đang thực hiện những hoạt động xây dựng lớn tại khu vực sân bay quốc tế Tinian nằm trên đảo Tinian, một hòn đảo thuộc vùng lãnh thổ Bắc Mariana của Mỹ nằm trên Thái Bình Dương. Giới phân tích nhận định đây là một phần trong kế hoạch nhằm nâng cấp sân bay quốc tế Tinian thành một căn cứ quân sự có khả năng cung cấp chỗ cất hạ cánh và nơi đồn trú cho các máy bay của Không quân Mỹ trong trường hợp căn cứ không quân Andersen khổng lồ trên đảo Guam có thể bị tấn công. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, quân đội Mỹ đang nhanh chóng san lấp mặt bằng tại một khoảnh đất nằm ở phía tây bắc đường cất cánh chính của sân bay quốc tế Tinian.
Theo những thông tin ban đầu, hoạt động san lấp đã được bắt đầu từ đầu tháng 5/2022. Các chuyên gia nhận định với tiến độ đang diễn ra, quân đội Mỹ được cho là đang xây dựng một đường lăn và các vị trí đỗ máy bay mới. Ngoài ra, dự án còn bao gồm việc xây dựng các kho lưu trữ nhiên liệu mới nằm ở cực nam của đảo Tinian cùng với hệ thống đường ống nối giữa các kho này với sân bay Tinian. Hệ thống này sẽ đảm bảo nhiên liệu cho hoạt động huấn luyện và chiến đấu của các máy bay quân sự Mỹ một khi chúng được điều đến đồn trú tại đảo Tinian.
Các công trình xây dựng này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025 và tiêu tốn của quân đội Mỹ khoảng hơn 160 triệu USD. Trước đó, một hợp đồng thuê đất có thời hạn 40 năm cũng đã được ký kết. Bộ tư lệnh Hệ thống Kỹ thuật Hạ tầng Hải quân Marianas của Hải quân Mỹ được giao nhiệm vụ quản lý và giám sát quá trình xây dựng. Bên cạnh việc tích cực xây dựng các công trình phục vụ việc cải tạo Sân bay quốc tế Tinian, quân đội Mỹ đang tích cực mở rộng và nâng cấp hạ tầng đường sá trên đảo. Mục đích của dự án này là nhằm phục vụ cho các hoạt động huấn luyện trong tương lai của quân đội Mỹ tại hòn đảo này.
Những hoạt động nâng cấp gần đây tại đảo Tinian cho thấy, quân đội Mỹ đang thực sự cảm thấy lo ngại về khả năng căn cứ quân sự Andersen tại đảo Guam sẽ bị tấn công, nhất là khi căng thẳng giữa các cường quốc đang leo thang tại khu vực Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Mỹ đang muốn biến đảo Tinian, nơi chỉ cách đảo Guam khoảng 196km thành một nơi "chia lửa" với căn cứ Andersen trong trường hợp cần thiết. Trong quá khứ, đảo Tinian cũng từng được quân đội Mỹ sử dụng để đồn trú các máy bay chiến đấu và tiến hành các hoạt động huấn luyện thực chiến.
Ngăn tiêu hao sức mạnh của Không quân Hoa Kỳ
Phần lớn sức mạnh Không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương tập trung vào một số căn cứ không quân lớn, như Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam hay Căn cứ Không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Một cuộc tấn công vào những căn cứ đó có thể làm tê liệt khả năng đánh trả kẻ thù của quân đội Mỹ nếu có quá nhiều sức mạnh không quân Mỹ tập trung ở đó.
Và khi Trung Quốc, quốc gia mà Lầu Năm Góc xác định là “mối đe dọa nhịp độ” của họ, đang phát triển lực lượng tên lửa, Lực lượng Không quân đang tìm kiếm những nơi để phân tán hạm đội của mình nhằm khiến việc nhắm mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Theo một bài báo năm 2022 của Đại học Không quân của Lực lượng Không quân, “ACE giúp giảm thiểu các mối đe dọa từ (Trung Quốc) bằng cách phân tán lực lượng khắp chiến trường bằng cách sử dụng cấu hình căn cứ trục và nan hoa, mang lại khả năng phục vụ không thể đoán trước và yêu cầu Quân đội Giải phóng Nhân dân tiêu tốn nhiều tên lửa hơn để tấn công. Điều này làm ngăn tiêu hao sức mạnh không quân của Không quân Hoa Kỳ”. Ông Wilsbach chia sẻ với Nikkei: “Bạn tạo ra vấn đề về việc nhắm mục tiêu và bạn thực sự có thể nhận một số đòn tấn công, nhưng bạn vẫn có ưu thế về lực lượng của mình vẫn tạo ra hiệu quả”.
Lực lượng Không quân đã thực hành khái niệm ACE trên Tinian, bao gồm cả việc vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-22 ra khỏi sân bay quốc tế trong cuộc tập trận Agile Reaper vào tháng 3. Sân bay cung cấp một môi trường mà các máy bay chiến đấu của Mỹ chỉ có thể phụ thuộc vào nguồn cung cấp mà chúng tự mang theo hoặc có thể bay trên các máy bay vận tải C-17, đồng thời cho thấy chúng “sẵn sàng và có khả năng hoạt động trong một môi trường đầy tranh chấp, xuống cấp và bị hạn chế về mặt hoạt động”, một tuyên bố của Không quân cho biết. Những chiếc F-22 cũng hoạt động từ Guam, cách Tinian 200 km về phía nam, trong cuộc thi Agile Reaper.
Tầm quan trọng của căn cứ tại đảo Guam
Việc Mỹ khẩn trương xây dựng một phương án dự phòng cho căn cứ Andersen cho thấy tầm quan trọng của các căn cứ tại đảo Guam với khả năng tác chiến của quân đội Mỹ trong khu vực. Tại đảo Guam, Mỹ đã xây dựng cho mình một căn cứ phức hợp nơi Không quân nước này có thể điều đến những máy bay tối tân nhất như máy bay tàng hình B-2 Spirit, B-1 Lancer và cả "pháo đài bay" B-52. Với vị trí trung tâm nằm trong bản đồ địa chính trị tại khu vực Thái Bình Dương, các máy bay có khả năng mang theo bom, tên lửa dẫn đường và thậm chí là cả vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể dễ dàng tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của đối phương. Ngoài ra, tại đảo Guam, Mỹ cũng triển khai một căn cứ tàu ngầm lớn để đóng vai trò như cảng nhà của Hạm đội Tàu ngầm số 15 của Hải quân Mỹ. Đây là nơi tiếp tế nhiên liệu, vũ khí và nhu yếu phẩm cũng như cung cấp dịch vụ sửa chữa cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ trong nhiệm vụ tuần tra vòng quanh Thái Bình Dương.
Với vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến, căn cứ tại đảo Guam thường được ví von như "tàu sân bay không thể bị đánh chìm" của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, với sự đe dọa từ tên lửa tầm xa và thậm chí cả vũ khí hạt nhân của một số đối thủ trong khu vực, mối đe dọa với khả năng tác chiến liên tục của Mỹ tại đảo Guam đang tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.
Hầm chứa bom nguyên tử
Hầm chứa bom nguyên tử tại phi trường phía Bắc trên đảo Tinian, địa điểm quả bom Little Boy được đưa lên chiếc máy bay Enola Gay.
Tinian không được Nhật Bản bố trí quân đồn trú trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai. Về sau người Nhật đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo này, đó là việc nơi đây có thể trở thành một cứ điểm cho những chiếc máy bay ném bom Boeing B-29 Superfortress của Mỹ khởi hành nếu bị đánh chiếm. Thực tế là sau Trận chiến Tinian diễn ra từ ngày 24/7 đến ngày 1/8/1944, quân đội Mỹ đã chiếm được đảo. Chỉ có 313 lính đồn trú Nhật sống sót qua trận chiến này so với số lượng ban đầu là 8.500. Hàng ngàn thường dân Nhật đã bị giết trong cuộc giao tranh, tự sát, hoặc bị lính Nhật hành quyết để tránh rơi vào tay quân Mỹ.
Nằm cách lãnh thổ chính của Nhật Bản khoảng 1.500 dặm (2.400 km), Tinian rất phù hợp để trở thành một căn cứ trung gian tiếp tục phục vụ cho chiến dịch tấn công những hòn đảo của Nhật bằng máy bay ném bom hạng nặng. Ngay lập tức sau khi chiếm được Tinian, người Mỹ đã tiến hành xây dựng một trong những căn cứ không quân lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai với quy mô bao phủ toàn bộ hòn đảo, chỉ trừ ba khu vực địa hình cao. Căn cứ này có 40.000 nhân viên và các đơn vị Seabee của Hải quân Mỹ đã thiết kế nó theo hình mẫu các con đường của thành phố tương tự như ở đảo Manhattan, New York. Thành phố Sunharon của Nhật trước đây được đặt tên là "The Village" bởi vị trí tương ứng với Làng Greenwich. Diện tích lớn giữa phi trường phía Bắc và Tây chủ yếu dành cho bệnh viện quân đội và những phần đất khác không sử dụng được gọi là công viên trung tâm. Hai phi trường phía Tây và Bắc có tổng cộng 6 đường băng, mỗi đường dài 8.500 ft (2.600m). Hiện 4 đường băng tại Phi trường phía Bắc đang ở vào tình trạng bị bỏ không và cỏ mọc um tùm. Còn với Phi trường phía Tây, một trong hai đường băng vẫn được sử dụng như một phần của Sân bay quốc tế Tinian.
Hôm 22/12/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào dự luật ngân sách quốc phòng, cho phép chi tiêu quân sự mỗi năm là 886 tỉ USD, bao gồm viện trợ Ukraine và cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dự luật này chính là Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA), vốn được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát phê chuẩn dự luật với sự đồng thuận lưỡng đảng cao (87-13), trong khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng bỏ phiếu chấp thuận áp đảo 310-118.