Mỹ xem xét dự luật cấm các nhà cung cấp vũ khí mua đất hiếm Trung Quốc
Ngày 14/1, một dự luật của hai đảng Mỹ được trình lên Thượng viện nhằm buộc các nhà thầu quốc phòng của nước này dừng mua đất hiếm Trung Quốc từ năm 2026 và dùng Lầu Năm Góc để tạo ra kho dự trữ các loại khoáng sản chiến lược.
Dự luật do hai Thượng nghị sĩ Tom Cotton của đảng Cộng hòa và Mark Kelly của đảng Dân chủ bảo trợ là bước đi mới nhất trong hàng loạt chính sách của Mỹ nhằm đối phó với tình trạng Trung Quốc gần như kiểm soát hoàn toàn ngành vật liệu quan trọng này.
Dự luật đề xuất dựa vào việc Lầu Năm Góc mua hàng tỷ USD máy bay chiến đấu, tên lửa và các vũ khí khác làm công cụ mặc cả để yêu cầu các nhà thầu dừng phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, từ đó giúp hồi sinh hoạt động khai thác đất hiếm ở Mỹ.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để làm ra các loại nam châm dùng cho xe điện, vũ khí và các thiết bị điện tử. Mỹ tạo ra ngành công nghiệp này từ Thế chiến 2 và các nhà khoa học quân sự Mỹ đã phát triển những loại nam châm đất hiếm được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, Trung Quốc dần dần kiểm soát gần như hoàn toàn ngành này trong 30 năm qua.
Mỹ chỉ có 1 mỏ đất hiếm và hiện không có nhà máy khai thác đất hiếm nào.
“Chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào hoạt động khai thác và chế biến đất hiếm của Trung Quốc là yếu tố quan trọng để xây dựng ngành công nghệ và quốc phòng Mỹ”, ông Cotton nói với Reuters.
Nghị sĩ làm việc trong Ủy ban quân vụ và Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ hy vọng rằng các chính sách mới sẽ giảm bớt vị thế của Trung Quốc.
Năm 2010, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật trong một thời gian và dọa sẽ làm như vậy với Mỹ.
Để dự trữ, Lầu Năm Góc vẫn phải mua đất hiếm một phần từ Trung Quốc, một nghịch lý mà các thượng nghị sĩ đệ trình dự luật hy vọng sẽ giảm bớt trong thời gian tới.
Quy trình sản xuất đất hiếm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, và đây là một trong những lý do khiến ngành này không phát triển ở Mỹ. Đang có những nghiên cứu để giúp quá trình này bớt gây ô nhiễm.