Na Cao Phong vào vụ

Tháng 8, các nhà vườn trồng na trên địa bàn xã Thu Phong (Cao Phong) bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, na được mùa, chất lượng thơm ngon, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ trồng.

Với hơn 400 gốc na cho thu hoạch, dự kiến năm nay, gia đình chị Phạm Thị Thảo, xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong (Cao Phong)thu khoảng 150 triệu đồng.

Với hơn 400 gốc na cho thu hoạch, dự kiến năm nay, gia đình chị Phạm Thị Thảo, xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong (Cao Phong)thu khoảng 150 triệu đồng.

Cây na khá phù hợp với loại đất dốc ven chân núi đá nên từ nhiều năm nay, các hộ ở xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong đã tận dụng toàn bộ đất đồi dốc để trồng na. Cũng như nhiều hộ ở đây, gia đình chị Phạm Thị Thảo đã có nhiều năm gắn bó với cây na. Hiện nay, vườn na rộng trên 1ha của gia đình chị đang vào độ chín và được tiểu thương tất bật thu mua. Với trên 700 gốc, trong đó 400 gốc đang thời kỳ cho thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị thu hái từ 60 - 70kg na để xuất bán. Giá bán tại vườn từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, dự kiến năm nay vườn na của gia đình chị thu về khoảng 150 triệu đồng. Chị Thảo cho biết: Trung bình mỗi vụ na bán tại vườn có thể cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng tùy vào từng năm. So với các loại cây trồng trước đây thì na mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và ổn định đầu ra.

Cây na được trồng trên đất Thu Phong khá lâu đời. Với giá trị kinh tế mang lại, những năm gần đây, cây na được nhiều hộ đầu tư trồng và mở rộng diện tích. Hiện, toàn xã Thu Phong có trên 27ha na, tập trung chủ yếu ở xóm Đỉnh Cun. Na Đỉnh Cun khá nổi tiếng về chất lượng bởi khả năng thâm canh và chăm sóc đặc biệt của người nông dân, không phun thuốc trừ sâu và hạn chế tưới nước. Chính vì vậy, na quả to, mẫu mã đẹp, thơm, vị ngọt đậm đặc trưng.

Để phát triển thương hiệu na Đỉnh Cun, xã Thu Phong đã tuyên truyền, vận động người dân chú trọng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tìm tòi, phát triển những giống na mới, chất lượng cao. Mới đây, nhằm gìn giữ thương hiệu na Đỉnh Cun, xã vận động các hộ thành lập được tổ hợp tác với 25 thành viên. Cuối năm 2022, na Đỉnh Cun đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Đồng chí Vũ Thế Dũng, Chủ tịch UBND xã Thu Phong cho biết: Khi quả na Thu Phong được chứng nhận OCOP 3 sao đã tạo cơ hội thuận lợi cho người trồng. Thuận lợi trước hết là khâu đóng gói, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, bởi quả na khi sắp chín thường rất dễ bị dập, sứt mắt trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, các thành viên tổ hợp tác sau khi tham gia Chương trình OCOP đã được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật đóng gói bao bì sản phẩm.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Thực tế na Đỉnh Cun đã có thương hiệu trên thị trường, được nhiều người ưa chuộng. Với mục tiêu sản xuất an toàn, hiệu quả, huyện đã hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na theo thiêu chuẩn Vietgap với các công đoạn theo đúng kỹ thuật và đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay người trồng na cũng đối mặt với những khó khăn như thị trường tiêu thụ còn hạn chế do thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn. Người dân vẫn chủ yếu tập trung vào một số giống na dai đã canh tác và cho thu hoạch nhiều năm nên không tránh khỏi giảm năng suất và bị sâu bệnh. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã quan tâm hỗ trợ người dân đưa vào trồng một số giống na mới, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Cùng với đó, UBND huyện Cao Phong chỉ đạo phòng chuyên môn và địa phương xác định diện tích, quy trình trồng nhằm giữ vững thương hiệu na Cao Phong, để cây na phát triển trở thành một trong những cây trồng chủ lực của xã Thu Phong. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu na Cao Phong đến với người tiêu dùng, tuyên truyền, vận động, kết nạp thành viên trồng na theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, hướng tới đăng ký cấp mã số vùng trồng nhằm giữ vững thương hiệu na bản địa.

Phương Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/181246/na-cao-ph111ng-vao-vu.htm