Na Hang bảo vệ rừng tự nhiên
Toàn huyện Na Hang hiện có trên 21.000 ha rừng tự nhiên thuộc địa bàn các xã Thanh Tương, Sơn Phú, Côn Lôn, Khau Tinh. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát bảo vệ diện tích rừng hiện có, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thúc đẩy kinh tế - xã hội, du lịch phát triển.
Xác định công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, UBND huyện Na Hang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã tăng cường nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lâm sản, chú trọng địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh. Lực lượng chức năng của huyện đã kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho người dân.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang tuần tra, bảo vệ rừng tự nhiên khu vực Tát Kẻ,xã Khau Tinh (Na Hang).
Khau Tinh là một trong những xã nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng với diện tích rừng tự nhiên trên 8.300 ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Khau Tinh Nông Thị Nhung, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, UBND xã thành lập đội cơ động xung kích tại 4/4 thôn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng phối hợp với nhân dân tham gia chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Cùng với đó, xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm tăng cường xuống cơ sở bám nắm địa bàn; tổ chức cho bà con ký kết bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy từ các gia đình; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung có diện tích trên 15.000 ha, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Tại đây, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý… Nhiều loài động vật ghi trong Sách đỏ thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng thuộc loại quý hiếm. Quỹ bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, đây là nơi còn có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn với lợi thế nằm trong khu du lịch sinh thái Na Hang, điểm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung có lợi thế rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, hiện nay đây đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá rừng nguyên sinh kết hợp tham quan hồ sinh thái Na Hang. Bởi vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, giữ gìn cảnh quan nguyên sinh, hoang sơ của khu bảo tồn.
Ở thôn Bản Bung - thôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã Thanh Tương 8 km, nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng. Trong nhiều năm liền, Bản Bung là một trong các thôn điển hình của xã Thanh Tương làm tốt công tác bảo vệ rừng. Anh Ma Văn Phương, Trưởng thôn cho biết, ngay từ đầu năm, bà con trong thôn đã được các cơ quan chức năng của huyện đến tuyên truyền pháp luật và tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Tuy điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhưng người dân trong thôn thực hiện rất nghiêm túc nội dung đã cam kết. Ngoài ra, khi rừng được bảo vệ, nguồn nước dành cho sản xuất và sinh hoạt của bà con trong thôn cũng được đảm bảo, không sợ bão lũ, thiên tai, đời sống của nhân dân ngày càng được ổn định.
Ông Khổng Văn Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang cho biết, hiện nay, Hạt có 6 Trạm Kiểm lâm khu vực, 16 chốt bảo vệ rừng, 37 nhân viên hợp đồng tuần rừng và 29 cán bộ kiểm lâm viên. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngay từ đầu năm 2020, Hạt đã kiện toàn lại các chốt trạm, đồng thời chỉ đạo các chốt, trạm tăng cường bám sát địa bàn, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân bảo vệ rừng tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, Hạt đã phối hợp với các địa phương triển khai 15 cuộc tuyên truyền về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với 732 người tham gia. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý 15 vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 81 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Hạt Kiểm rừng đặc dụng Na Hang xác định tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả các tổ chốt liên ngành; tăng cường giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, điều cốt lõi là ở ý thức và trách nhiệm của người dân thì những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.