Năm 2019: Hà Nội hòa giải thành hơn 4.000 vụ việc

Năm 2019, toàn TP Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 5.063 vụ việc hòa giải (giảm 986 vụ việc so với năm 2018). Theo đó, đã tiến hành hòa giải thành 4.158/4.858 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,6% (cao hơn năm 2018: tỷ lệ hòa giải thành: 85,3%), 205 vụ việc đang tiến hành hòa giải.

Các đơn vị tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và có tỷ lệ hòa giải thành cao là: Mỹ Đức (97,10%); Long Biên (94,34%); Đống Đa (93,68%); Ba Đình (92,86%); Chương Mỹ (92,86%); Bắc Từ Liêm (92,03%); Cầu Giấy (90,67%); Hoàn Kiếm (90,12%); Gia Lâm (89.16%); Thanh Xuân (88,57%); Nam Từ Liêm (88,57%); Thạch Thất (87,08%); Tây Hồ (86,89%); Đông Anh (86,65%).

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, trong năm 2019, TP đã hỗ trợ 5.899.924.650 cho hoạt động của các tổ hòa giải/ hòa giải viên. Trong đó chi thù lao là 904.980.000 đồng. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở của TP việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đã được Hà Nội triển khai thường xuyên. Năm 2019, Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL đã tổ chức 20 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho 20 quận, huyện, thị xã của TP (với 6.000 người là cán bộ làm công tác quản lý hòa giải và các hòa giải viên ở cơ sở).

Kết hợp hài hòa giữa chữ “tình”, chữ “lý” là bí quyết để các hòa giải viên của Hà Nội hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn. Ảnh: Đình Tuệ

Kết hợp hài hòa giữa chữ “tình”, chữ “lý” là bí quyết để các hòa giải viên của Hà Nội hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn. Ảnh: Đình Tuệ

Nội dung các lớp tập huấn là hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác hòa giải, tình huống giải quyết pháp luật trong lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự đặc biệt là về thừa kế, những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015.... Ngoài ra, các hòa giải viên còn có dịp để cùng với báo cáo viên là các luật sư, chuyên gia pháp luật trao đổi, thảo luận giải quyết các tình huống cụ thể, thường gặp trong thực tiễn cuộc sống. Việc tập huấn trên cơ sở giải quyết tình huống không chỉ mang đến nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích trong công tác hòa giải mà còn khơi gợi được hứng thú, nhiệt tình của các hòa giải viên đối với công tác hòa giải.

Với sự quan tâm đó, chất lượng công tác hòa giải của Hà Nội ngày càng nâng cao. Hoạt động hòa giải ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột trong cộng đồng dân cư ngay tại địa bàn, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, sự cảm thông, chia sẻ trong từng gia đình và toàn xã hội.

Năm 2019, UBND TP đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Qua tổng kết cho thấy, nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn thường xuyên và việc tổ chức bầu hòa giải viên được đa số các xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được UBND các cấp trên địa bàn TP quan tâm và đầu tư hơn. TP đã xây dựng được tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và tiêu chí đánh giá hòa giải viên tiêu biểu làm cơ sở cho việc khen thưởng, động viên đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Cũng trong năm 2019, Hà Nội đã tổ chức thành công Cuộc thi "Hòa giải viên giỏi". Qua việc tổ chức Cuộc thi đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về pháp luật về hòa giải ở cơ sở cũng như quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân. Trong đó có những Bộ luật, đạo luật mới ban hành như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Xây dựng năm 2014, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP.

Cuộc thi cũng là dịp để phát hiện, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, đồng thời là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9-11-2019...

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-2019-ha-noi-hoa-giai-thanh-hon-4000-vu-viec-172388.html