Năm 2019, Mỹ triển khai tuần tra tự do hàng hải nhiều kỷ lục trên Biển Đông
Số lượng các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ triển khai trên Biển Đông đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019, SCMP dẫn số liệu mới công bố cho thấy.
Theo các dữ liệu của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, năm 2019 chứng kiến 7 cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) trong khu vực 12 hải lý quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng hoặc tuyên bố chủ quyền. Đây là con số lớn nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông năm 2014.
Cụ thể, Washington đã thực hiện 5 cuộc tuần tra trong năm 2018, 6 trong năm 2017 – năm đầu nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, 3 vào năm 2016 và 2 vào năm 2015. Không có cuộc tuần tra nào trong năm 2014.
Dữ liệu mới, được công bố bởi Cơ quan Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ theo yêu cầu của SCMP.
“Mỹ thượng tôn quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc”, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết. “Các hoạt động thuộc Chương trình Tự do Hàng hải được tiến hành một cách hòa bình và không thiên vị hay nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào”, bà Rachel nói.
Biển Đông là tuyến hàng hải với 1/3 hàng hóa thương mại toàn cầu thông thương, đã trở thành một điểm nóng trong những căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% khu vực Biển Đông, đồng thời xây dựng các cơ sở quân sự tại đây.
Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” mà theo đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, khẳng định việc này không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.