Năm 2020, điểm nghẽn đầu tư công sẽ được giải quyết

Trong năm 2019, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng chậm lại bởi xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc... Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các rào cản về thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ.

Theo đó, năm 2019, GDP đã xác lập năm thứ 2 liên tiếp tăng trên 7% kể từ 2011, với mức tăng 7,02%. Lạm phát giữ được mức thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hai từ khóa của năm 2019 là gian nan và dũng cảm. Thương chiến Trung - Mỹ đang gây ra nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta đã dũng cảm vượt lên thông qua những chỉ số kinh tế vĩ mô. Có thể nói quy mô kinh tế của Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên lọt top 50 nền kinh tế thế giới xét về quy mô nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển, tốc độ phát triển của doanh nghiệp lớn có quy mô rất nhanh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang sinh sôi.

 Năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng.

Năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng.

Mặc dù vậy, theo ông Lộc, 2020 tiếp tục là năm gian nan, khó khăn, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có vấn đề.

Ông Lộc dẫn chứng, tăng trưởng của 2019 cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mà không báo lãi.

"Bất kỳ sự tăng trưởng nào sẽ gây hại nếu không có sự phát triển tương ứng. Nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vào ngân sách nhà nước không đạt dù rằng đã điều chỉnh giảm mục tiêu. 50% mức tăng của FDI. Xuất khẩu với phần lớn các thị trường giảm, trừ thị trường Mỹ. Tăng được xuất khẩu của thị trường Mỹ nhưng mừng cũng đi kèm với lo. 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, nhóm lĩnh vực kinh tế còn hoang sơ", ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, hành trình như vậy vẫn còn rất xa để vào top 4. Dư địa lớn nhất của cải cách vẫn là thể chế.

Cụ thể, năm 2016, Việt Nam đã thành công khi cắt giảm điều kiện kinh doanh. Năm 2018, chúng ta cắt giảm thêm nhiều điều kiện kinh doanh. Nếu tập trung giải quyết các điểm nghẽn về luật pháp liên quan đến đầu tư kinh doanh thì đây sẽ là điểm đột phá lớn. Như vậy có nhiều vấn đề cần triển khai trong năm tới để bức tranh kinh tế của năm tới tươi sáng hơn chứ chưa nói đến bứt phá. Chính phủ đang chủ trương thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết những điểm chồng chéo trong kinh doanh, đó có thể là điểm đột phá của năm 2020", ông Lộc nhấn mạnh.

 Điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Từ cả hai góc độ của người vừa “vẽ” và ngắm” bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2019, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, 2019 không phải là năm quá khó khăn như ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, năm 2019 vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển. Thứ nhất là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, vốn đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD, làm cho áp lực về vốn cho đối với nền kinh tế giảm đi. Khi dòng vốn ổn định thì lãi suất cũng ổn định hơn, điều này giúp nền tảng vĩ mô ổn định.

Điểm nổi bật nhất của năm 2019 là sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng 8%. Các doanh nghiệp tư nhân đang xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu cả máy móc.

Năm 2019 thặng dư thương mại trên 10 tỷ USD, khiến dự trữ ngoại hối tăng. Từ 2011 đến nay Việt Nam liên tục thặng dư cán cân thương mại vãng lãi, đây là điều kiện kinh tế quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng vốn rẻ rồi dần chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Nói về kỳ vọng và động lực của năm 2020, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công nhưng năm 2020 các điểm nghẽn này sẽ được giải quyết, những thủ tục vướng mắc của 2019 đã được giải quyết nên 2020 vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Năm 2018 ra Nghị định 20 có hiệu lực chỉ còn một tháng, đến 2019 đã được giải quyết và năm 2020 có thể tăng giải ngân đầu tư công đồng thời kích hoạt được dòng vốn tư nhân.

Nhìn lại năm 2019, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam nhận xét, có thể thấy cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã được đẩy lên rất cao, bất ổn gia tăng. Trong cục diện mới này, Việt Nam vẫn ở vị trí khá tốt, tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác chúng ta chưa tranh thủ được cơ hội.

Do đó, năm 2019, dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa những rủi ro của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, tuy nhiên, tôi cho rằng nguy cơ này sang năm 2020 sẽ nhiều hơn. Theo đó, những gì chúng ta đã làm được trong năm 2019 thì cần phải được củng cố và phát triển thì chúng ta mới đủ năng lực để chống lại những rủi ro và tiếp tục đi lên trong năm mới này, Đại sứ nhấn mạnh.

Lan Hương

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chuyen-dong-kinh-te/nam-2020-diem-nghen-dau-tu-cong-se-duoc-giai-quyet-6901.html