Năm 2020, sắp xếp 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn
Sáng 10-7, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng cho biết dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số quy định tạiNghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ QH, có tới 259 huyện, 6.191 xã trong cả nướcchưa đạt 50% tiêu chuẩn.
Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa 12 yêu cầu, đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Từ năm 2022-2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Vì vậy, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại.
Về lộ trình thực hiện, ông Hùng cho hay trong năm nay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 của địa phương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đồng thời, rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đối với những người chịu tác động trực tiếp của quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.
Năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số. Tiến hành săp xếp tổ chức bộ máy/giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.
Năm 2021, tổng kết và xây dựng đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022-2030.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ đánh giá quá trình chia, tách đơn vị hành chính ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế-xã hội. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đã ngày càng gần dân, sát với dân hơn, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.
Tuy nhiên, quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua cũng dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Cụ thể, bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Hệ quả là làm tăng chi ngân sách nhà nước do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên.
Việc này cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế-xã hội tầm vĩ mô. Cạnh đó, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đồng thời, làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng của cả nước; gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục địa chỉ, nơi làm việc đối với số lượng không nhỏ cán bộ, công chức; làm chia, tách không gian văn hóa-xã hội.
Lịch sử sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã
1. Về đơn vị hành chính cấp tỉnh:
- Từ cuối năm 1975 đến năm 1986, cả nước từ 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm xuống còn 40 đơn vị hành chính cấp tỉnh (giảm 32 cấp tỉnh).
- Từ 1986 đến 2003, trải qua nhiều đợt chia tách, đến tháng 11-2003, cả nước có 64 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (tăng 22 cấp tỉnh).
- Đến tháng 5-2008, mở rộng địa giới TP Hà Nội, cả nước có 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cho tới nay.
2. Vềđơn vị hành chính cấp huyện:
- Từ năm 1975 đến năm 1986, cùng với chủ trương xây dựng một nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện đã được sáp nhập lại và chủ yếu dựa trên tiêu chí về kinh tế mà không tính đến các tiêu chí khác.
- Từ năm 1986 đến năm 2016, đơn vị hành chính cấp huyện được tổ chức lại trên cơ sở chia tách. Trong vòng 30 năm, từ 1986 đến 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đơn vị đã tăng lên 713 đơn vị (tăng 277 đơn vị).
3. Về đơn vị hành chính cấp xã:
- Cuối những năm 70 và đầu những năm 80, cấp xã lúc này cũng có xu hướng hợp nhất các xã nhỏ thành các xã lớn để đáp ứng yêu cầu tạo không gian kinh tế-xã hội thuận lợi nhằm bố trí sản xuất, dân cư, quốc phòng trên từng địa bản.
- Từ năm 1986 đến năm 2016 (trong vòng 30 năm), cả nước đã tăng từ 9.657 đơn vị lên 11.162 đơn vị (tăng 1.505 đơn vị cấp xã).
Từ khi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được ban hành cùng vói Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính) thì việc chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã dừng lại ở 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 11.162 đơn vị hành chính cấp xã cho tới thời điểm hiện nay.