Năm 2020, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam cần tăng 35%
Dựa theo giả định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, vốn hóa thị trường cần tăng 35% trong năm 2020 để đạt 100% GDP.
Chia sẻ tại hội thảo thường niên "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản lần 3/2019" diễn ra tại TP HCM, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight cho hay: Hiện tại, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 4.548 triệu tỉ đồng, tương đương 195 tỉ USD.
Trong thời gian tới, để tăng vốn hóa thị trường thì có hai cấu phần là giá tăng và số lượng công ty niêm yết tăng. Dựa theo giả định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, vốn hóa thị trường cần tăng 35% trong năm 2020 để đạt 100% GDP.
Theo ông Tín, nhìn lịch sử thì việc thị trường đạt được mức tăng 35% trong 1 năm là rất khó xảy ra. Từ năm 2010 đến nay, chỉ có một lần duy nhất VN-Index đạt mức tăng trên 35% là vào năm 2017 với mức tăng 48%. Nguyên nhân là hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới như VJC, HVN, PLX, VPB, VRE.
Ngoài ra, các thương vụ thoái vốn lớn như VNM và SAB, cổ phiếu VNM và SAB đã tăng lần lượt 66% và 26% so với cuối năm 2016. Theo đó, IPO và thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn này đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm ở thời điểm 2017.
Từ đó, việc tăng cung bằng cổ phần hóa và thoái vốn là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu vốn hóa thị trường đạt 100% GDP.
Năm 2020, là thời gian cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ với hàng loạt doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa như Agribank, Vinachem, Mobifone, Vicem, Genco 1, Genco 2… ước tính tổng vốn hóa của doanh nghiệp lớn này ở mức khoảng 8 tỉ USD.
Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ giúp tăng đáng kể vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam và đạt được mốc 100% GDP trong năm 2020. Thực tế cũng đã cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Nhà nước đều có kết quả kinh doanh tích cực sau khi IPO.
“Tuy nhiên, ở một khía cạch khác, dù mục tiêu đạt được 100% GDP trong năm 2020 là một dấu mốc quan trọng, song thị trường vẫn cần phát triển ổn định và bền vững hơn. Thực tế cho thấy, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2017, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng sụt giảm trong năm 2018”, ông Tín chia sẻ.
Để giải quyết những vấn đề này, thị trường chứng khoán cần cải thiện nhiều yếu tố để có sự phát triển ổn định và bền vững. Theo đó, hiện tỉ lệ flee float (tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường) và vòng quay cổ phiếu đều chỉ ở mức trung bình so với thị trường trong khu vực, khiến cho thị trường trở nên kém hấp dẫn.
Hơn nữa, hơn 70% giá trị giao dịch đến từ nhà đầu tư cá nhân, những người xu hướng đầu tư ngắn hạn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, mặc dù số lượng tài khoản chứng khoán tiếp tục tăng nhưng chỉ đạt khoảng 2,4% dân số Việt Nam.
“Cải thiện được những điều này, thị trường sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó gián tiếp tác động tới sự tăng trưởng của chỉ số. Bên cạnh đó, thị trường tốt thì mới tạo động lực cho các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch”, chuyên gia Bùi Quang Tín nói.