Năm 2021, nữ tỷ phú thế giới tăng hơn 36%
Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 của Forbes có 328 phụ nữ, tăng hơn 36% so với năm trước.
Tổng tài sản của các nữ tỷ phú trị giá 1,53 nghìn tỷ USD
328 phụ nữ lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2021, tăng so với con số 241 của năm ngoái. Tổng tài sản của họ trị giá 1,53 nghìn tỷ USD, tăng gần 60% (thêm 570,7 tỷ USD) vào khối tài sản của mình do thị trường chứng khoán phục hồi trên toàn cầu. Trong đó có 108 nữ tỷ phú tự thân.
Người phụ nữ giàu nhất thế giới, Françoise Bettencourt Meyers, người thừa kế của L'Oreal, đã ghi được mức tăng USD lớn nhất trong số những phụ nữ có tài sản gắn liền với cổ phiếu. Giá cổ phiếu của L'Oreal mà bà và gia đình sở hữu 33% cổ phần đã tăng gần 40%, tương đương 24,7 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của Bettencourt. Tài sản của bà hiện có 73.6 tỷ USD. Tiếp đến là bà Alice Walton của tập đoàn Walmart với 61,8 tỷ USD.
Bà MacKenzie Scott, vợ cũ của Jeff Bezos, giám đốc Amazon, cũng trở nên giàu có hơn trong năm nay dẫu làm từ thiện rất nhiều tiền trong thời gian đại dịch. Bà đã quyên góp gần 6 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện trên khắp nước Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, nhờ cổ phiếu Amazon tăng vọt mà bà có 53 tỷ USD.
Whitney Wolfe Herd, 31 tuổi, đã trở thành một trong số ít nữ tỷ phú tự thân, sau khi Bumble, ứng dụng hẹn hò do cô sáng lập, có đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Herd hiện sở hữu 1,5 tỷ USD.
Nhóm tỷ phú giàu nhất hành tinh có tài sản 13.100 tỷ USD
Bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, năm 2021, số tỷ phú mới xuất hiện ở mức kỷ lục 493 người, cứ 17 giờ lại có 1 tỷ phú mới xuất hiện. Số tỷ phú USD hiện là 2.755 người với tổng tài sản 13.100 tỷ USD, tăng 660 người so với 1 năm trước.
Làn sóng IPO mạnh mẽ, tiền điện tử tăng phi mã và giá cổ phiếu liên tục vượt kỷ lục... khiến số lượng tỷ phú trong danh sách những người giàu nhất thế giới lần thứ 35 của tạp chí Forbes (Mỹ) ở mức cao chưa từng thấy. Năm nay, có 4 tỷ phú sở hữu khối tài sản hơn 100 tỷ USD gồm Jeff Bezos, Elon Musk, Bernard Arnault và Bill Gates, trong khi năm ngoái có duy nhất ông Bezos. Đứng đầu là tỷ phú Jeff Bezos với 177 tỷ USD, tăng 64 tỷ USD so với 1 năm trước, chủ yếu nhờ cổ phiếu Amazon tăng mạnh.
Nhóm 10 người giàu nhất hành tinh ghi nhận tổng tài sản ròng đạt 1.150 tỷ USD, tăng từ mức 686 tỷ USD của năm 2020. Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất với 724 người (tăng từ mức 614 của năm ngoái) và tổng tài sản ròng đạt 4.400 tỷ USD.
Năm nay, số lượng tỷ phú tự thân đạt kỷ lục là 1.975 người, chiếm 72% tổng danh sách của Forbes. Đây là một sự thay đổi rõ rệt so với năm 2001 khi số tỷ phú tự thân mới chiếm 49%. Tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất là Austin Russell (26 tuổi) từng bỏ học Stanford để thành lập công ty cảm biến tự động Luminar Technologies. Tài sản ròng của Russell là 2,4 tỷ USD và anh xếp thứ 1.299.
Lần đầu tiên Việt Nam có 6 tỷ phú USD
Đáng chú ý, Việt Nam cũng ghi nhận năm có nhiều tỷ phú USD nhất từ trước đến nay. Danh sách năm 2021 có 6 đại diện đến từ Việt Nam. Theo thống kê đến ngày 5/3, tổng tài sản của 6 người này đạt gần 17 tỷ USD, với độ tuổi trung bình là 55.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup là người đứng đầu trong 6 đại diện của Việt Nam. Ông xếp ở vị trí 344 trong danh sách của Forbes với 3,7 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes.
Xếp thứ 2 tiếp tục là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo. Đây là lần thứ 5 góp mặt trên bảng xếp hạng này của bà Thảo với tài sản 2,8 tỷ USD. Bà Thảo hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Phó Chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) có khối tài sản ngang nhau, đều là 1,6 tỷ USD.
Sau 1 năm vắng bóng, ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Nguồn: Forbes