Năm 2022 có thể tăng trưởng 6 - 6,5% nhưng phải quyết tâm thật lớn

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% có thể đạt được nhưng phải quyết tâm thật lớn từ T.Ư đến địa phương. Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, chiều nay, 8/11.

Quan tâm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% là mức thấp nhất trong 20 năm qua; riêng quý III tăng trưởng âm 6,17%. Tình hình kinh doanh và đời sống nhân dân gặp vô cùng khó khăn, nhất là ở các tỉnh bùng phát dịch bệnh, người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tốt, như thu ngân sách tăng so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, nông nghiệp tăng trưởng khá, xuất khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ….

Với kết quả kiểm soát dịch bệnh tương đối ổn, hiện nay, doanh nghiệp quay lại hoạt động khá nhanh; cùng với những chính sách, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo và trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021 này, theo đại biểu, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% có thể đạt được nhưng phải quyết tâm thật lớn từ T.Ư đến địa phương.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh những giải pháp Chính phủ đã nêu, đại biểu góp ý về việc kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ; miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến bảo hiểm xã hội… Đặc biệt, cần khẩn trương triển khai thật sớm Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của Covid19. Theo đại biểu, đây là Nghị quyết hết sức kịp thời của UBTVQH, cho thấy sự chủ động và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn hơn, xem đây là nguồn đầu tư trở lại để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta bỏ một đồng cho doanh nghiệp, có thể tạo thêm công ăn, việc làm, doanh thu từ đó kích thích quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn. Quá trình đó, cần quan tâm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì khu vực này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp hiện nay, là nơi có nhiều lao động nhất.

Theo đại biểuĐặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 trong khi sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, đại biểu đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ như: Sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Kịp thời hoàn thành các thủ tục hành chính để phân bổ nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022.

Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo về rừng, thủ tục đầu tư… trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phân cấp cho địa phương. Đồng thời, sửa đổi Luật, thí điểm các giải pháp, chính sách để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số theo hướng khuyến khích việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trong hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu 3 tỷ đồng/năm trở xuống được lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 2-3% tính trên doanh thu cả năm.

 Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh:Quochoi.vn

Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh:Quochoi.vn

Hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số

Đề cập đến chuyển đổi số, các đại biểu đánh giá, hầu hết khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này hiện nay còn rất hạn chế. Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nhằm đạt mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ lệ kinh tế số trong các lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, "rất cần có một khuôn khổ pháp lý hoàn chính".

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), chuyển đổi số để hình thành xã hội số, kinh tế số với nền tảng là cơ sở dữ liệu, trở thành một động lực tăng trưởng có nghĩa nó cũng là công cụ đắc lực quản trị quốc gia. Tuy nhiên, chuyển đổi số với công nghệ nền tảng phải được thực hiện thế nào để không những đem lại hiệu quả cho quản trị mà còn bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, an ninh kinh tế khi nền tảng Google, Facebook và gần đây là Tiktok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp, chế tác lại hành vi người dùng.

Nhìn vào giá trị vốn hóa của Google, Facebook, đại biểu đặt câu hỏi, đó là các nền tảng này có thực sự nhân văn, miễn phí vô điều kiện hay thông qua đó là một loại tư liệu sản xuất mới ra đời và đó là hành vi dùng? Nếu chúng ta tập trung sửa đổi Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ thông tin hoặc quyền riêng tư cũng chỉ là bước đầu. Để định hình một xã hội số với những công dân số để phát triển kinh tế số thì quản lý xã hội trong đời thực thế nào đòi hỏi chúng ta cũng phải định hình để thể chế được quản lý công dân trên xã hội số như thế.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nam-2022-co-the-tang-truong-6-65-nhung-phai-quyet-tam-that-lon-440274.html