Năm 2022, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong phòng, chống thiên tai

Ngày 25/4, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai &TKCN chủ trì hội nghị. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Năm 2021, trên cả nước xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm. Các bộ, ngành đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước đó. Thiên tai năm qua đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

Tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng trên toàn quốc đã điều động hơn 83 ngàn lượt người và gần 7.000 lượt phương tiện tham gia TKCN 2.593 vụ; cứu được 2.968 người và 397 phương tiện. Riêng quân đội điều động gần 45 ngàn lượt người (chiếm 60%) và 4.522 lượt phương tiện tham gia TKCN 1.322 vụ (chiếm 54%) cứu được 1.465 người và 303 phương tiện (76%), di dời 7.948 hộ dân đến nơi an toàn… Những đợt rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh phía Bắc và đợt mưa lũ lớn bất thường trái quy luật từ các tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa đã gây thiệt hại lớn về vật nuôi, cơ sở hạ tầng, ngập úng hoa màu của người dân.

Tại tỉnh ta, trong năm 2021, UBND tỉnh cũng đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực cụ thể cho các cấp, ngành và địa phương để chỉ đạo công tác PCTT; triển khai rà soát, cập nhật thông tin, lập kế hoạch PCTT&TKCN; phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; phương án di dân, sẵng sàng ứng phó với các sự cố khi có thiên tai xảy ra...

Cũng tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành phố đã có các tham luận, đóng góp ý kiến kiến nghị tới Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược lâu dài cho công tác PCTT.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị: Để đảm bảo công tác PCTT, ứng phó sự cố và TKCN năm 2022, các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và các địa phương phải chú trọng, quan tâm hơn đến công tác PCTT&TKCN, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2022. Tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT&TKCN, nhất là ở cơ sở, phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ” để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, sự cố. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong PCTT...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/165265/nam-2022,-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-thong-tin-tr111ng-phong,-chong-thien-tai.htm