Năm 2022 đầy sóng gió đang chờ Tổng thống Biden
Joe Biden đang bước sang năm thứ hai cầm quyền, với đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra dai dẳng, khi gần một phần ba người Mỹ do dự trong việc tiêm chủng. Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, nhưng sẽ đối mặt với lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn tắc nghẽn…
Trong năm 2021, Tổng thống Biden đã triển khai hàng nghìn tỷ USD các gói cứu trợ và kích thích kinh tế, qua đó đã giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% và cung cấp vắc xin Covid-19 miễn phí cho tất cả mọi người. Nhưng các cử tri Mỹ vẫn đang mệt mỏi vì những bất ổn của đại dịch và vẫn tín nhiệm ông một cách miễn cưỡng.
Ông Joe Biden có rất nhiều việc phải làm trong năm 2022 dù sắp bước sang tuổi 80
Điều này đặt ông Biden vào một vị trí bấp bênh khi bước sang năm 2022. Các mối bất đồng nội bộ trong quốc hội và thậm chí cả giữa các đảng viên Đảng Dân chủ cũng sẽ gây khó cho ông trong các mục tiêu tiếp theo.
Tất nhiên, đầu tiên phải là đại dịch Covid-19
Các chuyên gia nhận định rằng việc nước Mỹ giải quyết đại dịch Covid-19 như thế nào vào năm 2022 sẽ quyết định tới vị thế và mức độ chấp thuận của ông Biden. Timothy Naftali, một nhà sử học tại Đại học New York cho biết: “Virus sẽ quyết định năm thứ hai của Tổng thống Biden trông như thế nào”.
Biến thể mới Omicron với khả năng lây lan nhanh khiến nỗ lực của ông Biden trong việc thuyết phục người dân đi tiêm chủng càng trở nên cấp bách hơn. Biden hứa chính phủ liên bang sẽ phân phát miễn phí nửa tỷ xét nghiệm nhanh tại nhà vào cuối tháng Giêng. Ông cũng đã huy động cả quân đội hỗ trợ cho tình trạng quá tải của bênh viện.
Bước sang năm 2022, mới chỉ hơn 70% người Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 và khoảng 60% được tiêm chủng đầy đủ. Con số này thấp hơn mục tiêu mà các chuyên gia y tế khuyến cáo để một quốc gia, đặc biệt là Mỹ, có thể vượt qua đại dịch. Tỷ lệ này phải ít nhất 80% dân số nói chung, kể cả trẻ nhỏ. Lý tưởng nhất là 95%. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy mũi tiêm nhắc lại cũng vô cùng cần thiết để nước Mỹ có thể vượt qua làn sóng Omicron đang hoành hành dữ dội.
Giữ vững vị thế và ngăn Trump trở lại
Rõ ràng, ngay trong những ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã phải nghĩ tới nhiệm vụ củng cố vị thế của mình. Cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol đã sơm đặt ra cho ông thách thức đó.
Được khích lệ bởi cựu Tổng thống Donald Trump về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Cộng hòa đang đưa ra những điều luật riêng để hạn chế quyền tiếp cận bỏ phiếu ở một số tiểu bang, cũng như có những động thái khác để tránh những thất bại tương tự sẽ diễn ra trong tương lai. Trump thậm chí đã nói về các ứng cử viên cho chức ngoại trưởng và thống đốc ở các bang quan trọng, làm dấy lên lo ngại rằng ông sẽ sớm trở lại chính trường Mỹ và giúp Đảng Cộng hòa “lên ngôi” trở lại.
Biden và một số đồng minh trong quốc hội Mỹ hy vọng sẽ dựng lên những rào cản thông qua luật pháp. Một dự luật, được gọi là Đạo luật Tự do Bỏ phiếu, sẽ tiêu chuẩn hóa một số biện pháp tiếp cận bỏ phiếu trên tất cả các tiểu bang.
Vào ngày 3 tháng 11, các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đã đứng lên tranh luận về một dự luật quyền bỏ phiếu riêng biệt được đặt theo tên của John Lewis, nhà lãnh đạo dân quyền và dân biểu đã qua đời. Dự luật đó tìm cách bổ sung các phần của Đạo luật Quyền bỏ phiếu 1965.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin còn đưa ra một dự luật khác về quyền bỏ phiếu, được gọi là Đạo luật Vì Nhân dân, sẽ áp đặt các tiêu chuẩn bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu bằng thư trên toàn quốc, yêu cầu sự minh bạch mới trong việc gây quỹ chính trị và thiết lập Ngày bầu cử như một ngày lễ quốc gia.
Biden từng nói vào ngày 17/12 tại Đại học Nam Carolina rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như cuộc tấn công không ngừng hiện tại vào quyền bầu cử. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chúng tôi hoàn thành nó".
Hoàn thiện chính sách và bộ máy chính phủ liên bang
Không chỉ các thách thức từ Đảng Cộng hòa, ông Biden còn phải đối mặt với nhiều rảo cản, thậm chí sự phản đối trong quốc hội. Việc Đảng Dân chủ của ông không quá áp đảo trong cả Hạ viện lẫn Thượng viện là một nguyên nhân hàng đầu. Thậm chí, ngay cả trong Đảng Dân chủ cũng đang tồn tại nhiều mẫu thuẫn. Rất nhiều Thượng nghị sỹ sẵn sàng đứng lên phản đối Biden mỗi khi ông đưa ra một quyết sách.
Các dự luật giải quyết biến đổi khí hậu, trợ cấp cho lứa tuổi mẫu giáo, mở rộng tín dụng thuế cho trẻ em, đảm bảo cho người lao động Mỹ bốn tuần nghỉ phép có lương, và mở rộng nhà ở giá rẻ và dịch vụ chăm sóc người già tại nhà là những mục tiêu mà Biden đang hướng tới vào năm 2022. Song các con đường phía trước vẫn đều chưa rõ ràng.
Thậm chí, Biden vẫn chưa thể bố trí đầy đủ vị trí chủ chốt trong chính quyền liên bang. Tính đến giữa tháng 12, tức 11 tháng từ khi ông nhậm chức, 171 trong số các lựa chọn của Biden cho các vị trí quản lý cấp cao vẫn đang chờ Thượng viện xem xét.
Các quan chức Nhà Trắng thất vọng và tin rằng các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đang ngăn chặn việc phê duyệt những người được Biden bổ nhiệm, nhằm giữ cho tỷ lệ xác nhận của ông ở tốc độ chậm như những năm đầu trong chính quyền Donald Trump. Để so sánh, gần 400 cuộc bổ nhiệm chính trị đã được lấp đầy vào thời điểm này trong chính quyền Obama hay George W. Bush trước đây.
Rõ ràng, việc không có đủ người giữ các vị trí quan trọng trong các ban ngành và cơ quan trong chính phủ liên bang đã và sẽ cản trở Tổng thống Biden và chính phủ của ông rất nhiều trong việc thực hiện chính sách của nước Mỹ.
Bởi vậy có thể tin rằng, ông Biden sẽ tiếp tục phải đối mặt với một năm 2022 đầy sóng gió và rất bận rộn nữa, dù ông sắp bước sang tuổi 80.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-2022-day-song-gio-dang-cho-tong-thong-biden-post175512.html