Năm 2022, ĐH Tài chính-Quản trị kinh doanh tuyển sinh vượt chỉ tiêu 1 lĩnh vực

Kết luận thanh tra chỉ rõ, năm 2022 trường đại học này đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu lĩnh vực khoa học và hành vi 3,3% chỉ tiêu do trường tự xác định chỉ tiêu

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường đã ký Kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý, đào tạo các trình độ của giáo dục đại học tại Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh.

Được biết, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh là cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ Tài chính, được thành lập theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 18/9/2012 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Tài chính - Quản trị kinh doanh.

Trường có cơ sở 1 tại Trưng Trắc, Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và cơ sở 2 tại Tân Quang, Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường có 246 người. Trong đó có 57 cán bộ quản lý, 187 giảng viên cơ hữu gồm: 1 Phó Giáo sư, 21 Tiến sĩ, 165 Thạc sĩ và 57 nhân viên.

Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh được phép đào tạo 7 ngành trình độ đại học gồm: Tài chính - ngân hàng; Quản trị kinh doanh; Kế toán; Kiểm toán; Hệ thống thông tin quản lý; Kinh doanh quốc tế; Kinh tế và 1 ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ là Tài chính - ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại nhà trường có quy mô sinh viên đào tạo là 2.804 sinh viên và 160 học viên trên diện tích đất sử dụng là 208.000 m2 với tổng diện tích sàn xây dựng là 22.394 m2.

 Khuôn viên Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh tại Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: website nhà trường

Khuôn viên Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh tại Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: website nhà trường

Theo đó, năm 2022 trường đại học này đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu lĩnh vực khoa học và hành vi 3,3% chỉ tiêu do trường tự xác định chỉ tiêu nhưng chưa vượt năng lực đào tạo của lĩnh vực. Việc này vi phạm quy định Điều 29 Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 16/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP.

Kết luận này nêu rõ, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách và bộ phận tham mưu công tác tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, kết luận cũng cho biết, đến thời điểm thanh tra, hành vi vi phạm này đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định.

Theo nội dung của kết luận thanh tra, năm 2022, 2023 nhà trường đã thực hiện xác định chỉ tiêu với 2 lĩnh vực đào tạo gồm: Kinh doanh và quản lý và lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi. Ngoài ra, nhà trường cũng đã xây dựng Đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 có thông tin về cơ sở đào tạo, kế hoạch tuyển sinh, phạm vi tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, chương trình đào tạo. Đồng thời, thông tin về mức thu học phí, quy định quy trình, thủ tục đăng ký dự tuyển và các thông tin cần thiết khác cho thí sinh và công bố các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.

Cũng theo nội dung được kết luận này công bố, đối với việc xác định chỉ tiêu đối với trình độ đại học, năm 2022, 2023 trường đại học này đã thực hiện báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu và dự kiến chỉ tiêu của năm kế tiếp gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Về việc xét và công nhận tốt nghiệp, năm 2022 Hội đồng xét và công nhận tốt nghiệp đối với sinh viên đại học K6 hệ chính quy khóa học 2018 - 2022 đợt 1 cho 457 sinh viên, đợt 2 cho 91 sinh viên, đợt 3 cho 24 sinh viên, đồng thời xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ cho 49 học viên cao học.

Năm 2023, Hội đồng xét và công nhận tốt nghiệp đối với sinh đại học K7 hệ chính quy khóa học 2019 - 2023 đợt 1 cho 283 sinh viên, đợt 2 cho 50 sinh viên, đợt 3 cho 30 sinh viên, đồng thời xét và công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ cho 50 học viên cao học.

Đối với việc đào tạo ngoài trụ sở chính; đào tạo trực tuyến; chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ trong nước, nước ngoài kết luận này nêu rõ, trong thời kỳ thanh tra, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh không tổ chức đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ ngoài trụ sở chính, không tổ chức đào tạo trực tuyến (năm học 2022 - 2023; 2023 - 2024) và không có chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ trong nước, nước ngoài.

Qua đó, Thanh tra Bộ đã có một số kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý đối với Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh. Trong đó yêu cầu rà soát toàn bộ các văn bản, quy định nội bộ của trường đại học này, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền cho phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời yêu cầu nhà trường thực hiện xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quản lý quá trình đào tạo theo đúng quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra cần rà soát, bổ sung đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để đảm bảo chất lượng giảng dạy và nghiên cứu theo đúng quy định.

Đối với Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu kiến nghị về việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính theo quy định.

Đồng thời, kết luận thanh tra cũng yêu cầu Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân thuộc quyền quản lý của nhà trường để xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phúc Khang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-2022-dh-tai-chinh-quan-tri-kinh-doanh-tuyen-sinh-vuot-chi-tieu-1-linh-vuc-post244557.gd