Năm 2023, cả nước xảy ra 3.456 vụ cháy nổ làm 157 người thiệt mạng
Năm 2023, tình hình cháy, nổ trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. So sánh với năm 2022, số vụ cháy tăng 206 vụ; tăng 46 người chết và bị thương; thiệt hại về tài sản tăng 244 tỷ đồng.
Năm 2023, số vụ cháy tăng 206 vụ so với năm 2022
Thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng.
Xảy ra 16 vụ nổ, làm 11 người chết, bị thương 27 người.
So sánh với năm 2022: Số vụ cháy tăng 206 vụ (tăng 6,3%); tăng 27 người chết (tăng 22,69%); tăng 19 người bị thương (tăng 21,11%); thiệt hại về tài sản tăng 244 tỷ đồng (tăng 38,4%). Số vụ nổ giảm 2 vụ (giảm 11,11%); số người chết tăng 1 người (tăng 10,0%), số người bị thương giảm 2 người (giảm 6,9%).
Về địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 2.105 vụ (chiếm 61,2%), nông thôn xảy ra 1.335 vụ (chiếm 38,8%).
Về loại hình xảy ra cháy: Số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.016 vụ cháy (chiếm 29,5%); các loại hình khác đều chiếm dưới 10%.
Về nguyên nhân các vụ cháy: Trong số 2.294/3.440 vụ (chiếm 66,7%) đã điều tra làm rõ nguyên nhân có 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 58,6%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 340 vụ (chiếm 14,8%); các nguyên nhân khác đều chiếm dưới 10%.
Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 593 người
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an các địa phương đã xuất 11.383 lượt phương tiện và 65.198 lượt cán bộ chiến sĩ tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 2.096/3.456 vụ cháy, nổ. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn và trực tiếp cứu được 593 người; tìm kiếm được 157 thi thể nạn nhân trong các vụ cháy, nổ; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng và cứu được tài sản trị giá khoảng 353 tỷ đồng trong các vụ cháy.
Lực lượng tại chỗ và nhân dân tổ chức dập tắt 1.360/3.456 vụ cháy, nổ.
Trong công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp tổ chức 1.190 vụ cứu nạn, cứu hộ, cứu được 387 người, tìm được 692 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch của Đảng, Quốc hội và Chính phủ như Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy…
Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành 1 Quyết định, 1 Đề án, 13 Kế hoạch, 2 Điện mật và 22 Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tổ chức 1 Triển lãm, 12 Hội nghị và giao ban triển khai các nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Công an các địa phương tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành 1.600 văn bản; trực tiếp ban hành 8.000 văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch về việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Đồng thời, Cục cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chỉnh lý các báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an; xây dựng tờ trình báo cáo Chính phủ về lập Hồ sơ đề nghị; tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Tham mưu xây dựng Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Tham mưu xây dựng và thực hiện các đề án, dự án liên quan đến lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong đó có Đề án "Quy hoạch hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050"; Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực sự trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...
Công tác tuyên truyền được đổi mới, sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức với các buổi tuyên truyền trải nghiệm, thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ diễn ra trên cả nước...
Toàn lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã phối hợp cùng các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đăng phát 11.053 tin, bài; 5.524 phóng sự...
Nhiều mô hình phong trào được duy trì, hoạt động hiệu quả như "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy", "Điểm chữa cháy công cộng", "Nhà tôi có bình chữa cháy"… Đến nay, toàn quốc đã có 45.481 "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" và 52.382 "Điểm chữa cháy công cộng" tại các khu dân cư, tổ dân phố được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả…
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng đã tập trung điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; mở các đợt thanh tra, kiểm tra ngăn chặn cháy lớn tại các cơ sở trọng điểm trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu dân cư… kịp thời phát hiện, hướng dẫn khắc phục những sơ sở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm.
Toàn lực lượng đã kiểm tra, phát hiện 66.738 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8.518 trường hợp với số tiền phạt là 73,312 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.012 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.793 trường hợp; kiểm tra 11.476.043 lượt hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 46,69%), phát hiện 2.295.495 thiếu sót, vi phạm, xử lý 13.699 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 18 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 791 trường hợp, đình chỉ hoạt động 238 trường hợp...
Công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước; nhiều vụ cháy, tai nạn, sự cố lớn đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; nhiều đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an địa phương đã nhận được Thư khen của người dân và các cấp, các ngành.
Các mặt công tác khác như xây dựng lực lượng, thẩm duyệt nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, điều tra nguyên nhân vụ cháy, nghiên cứu khoa học, công tác hậu cần và quản lý phương tiện đều có bước chuyển rõ rệt, đạt những kết quả tốt.
Công tác thẩm duyệt thiết kế đã kiến nghị được nhiều giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy ngay khi công trình còn trên bản vẽ. Xử lý các công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực theo quy định; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng...
Với những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tiếp tục được kiềm chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nâng cao, huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân vào công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; xảy ra một số vụ cháy gây thiệt nghiêm trọng về người tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini).
Đặc biệt là vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ngày 12/9/2023 tại chung cư mini Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội làm chết 56 người. Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao...
Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của nhà nước; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về phòng cháy, chữa cháy, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng.
Ý thức trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn phòng cháy, chữa cháy, còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt; cá biệt có những trường hợp cố ý vi phạm gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh...
Các loại hình "biến tướng" này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.
Một số quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy theo chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh cháy, đặc biệt là cháy rừng, cháy trong khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, phố chợ, các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp.v.v... dẫn đến thiệt hại do cháy gây ra là rất lớn, kể cả tính mạng và tài sản của nhân dân...
Nhiệm vụ trọng tâm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ban, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trọng tâm là xây dựng Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hoàn thiện các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
3. Tiếp tục triển khai xây dựng dự án, đề án phục vụ chiến lược xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Phối hợp đơn vị chức năng của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương khi xây dựng các Đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải chú trọng tới công tác quy hoạch hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy (giao thông, nguồn nước, quỹ đất cho các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc...) và kinh phí cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn các vụ cháy, nổ: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Xây dựng phong trào Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và nhân rộng các mô hình phong trào hoạt động hiệu quả. Điển hình như mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng"; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở và dân phòng lớn mạnh làm nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, khu dân cư.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường tự kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo khắc phục dứt điểm các hạn chế, thiếu sót về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tập trung điều tra, xử lý về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
5. Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư nguồn lực kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến với các nước. Xây dựng chế độ, chính sách nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ về phòng cháy, chữa cháy.