Năm 2023, dự kiến kiểm toán 28 dự án đầu tư lớn, được dư luận quan tâm
8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã chuyển hồ sơ tám vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan Cảnh sát điều tra.
Chiều 12-9, tiếp tục phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.
Chuyển hồ sơ 8 vụ việc sang cơ quan điều tra
Ông Tuấn cho hay tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 168 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 31-8-2022, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN hơn 1.140 tỉ đồng, giảm chi NSNN hơn 7.600 tỉ đồng và kiến nghị khác hơn 13.260 tỉ đồng.
Cơ quan này đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (trong đó có hai Luật, năm Nghị định, sáu Thông tư và 89 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.
Kiểm toán nhà nước còn kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tám tháng đầu năm 2022, Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như chuyên đề: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”; “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.
Kiểm toán nhà nước đã chuyển hồ sơ tám vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật .
Trong đó, bảy vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại TP Hải Phòng, bảy công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.
Một vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp – tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.
Kiểm toán nhà nước đã cung cấp 724 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát (cùng kỳ năm trước là 160 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan).
Năm 2023: Dự kiến kiểm toán 28 dự án đầu tư lớn
Báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho hay dự kiến kế hoạch kiểm toán của năm 2023 gồm 141 nhiệm vụ, giảm 37 nhiệm vụ so với năm 2022. Trong đó, dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng.
Chẳng hạn, kiểm toán các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế.
Chuyên đề “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”; “Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích”; “Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm”; “Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”...
Ngoài ra còn có chuyên đề về việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm.
Cụ thể, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện...
Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 6 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Các ngân hàng có tên trong danh sách kiểm toán gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương...