Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?
Năm 2023 dự báo sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu lục này tiếp tục bị thắt chặt. Chưa kể, biện pháp áp trần giá khí đốt gây tranh cãi gần đây còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình.
Dù đã tích trữ đủ lượng khí đốt cho mùa đông năm nay, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu được cho là còn lâu mới đi tới hồi kết.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt gần 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023. Mới nhất, sự cố nổ đường ống dẫn khí đốt Urengoi-Pomary-Uzhhorod xảy ra cách đây hai ngày đã ít nhiều làm gián đoạn hoạt động vận chuyển khí đốt vốn ngặt nghèo của Nga cho châu Âu. Đây là một trong những đường ống dẫn khí đốt lâu đời nhất, thuộc quyền sở hữu và vận hành của Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Gazprom và hiện là tuyến đường ống chính để vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu.
Rõ ràng, không thể phủ nhận khí đốt của Nga vẫn là mặt hàng không thể thiếu đối với châu Âu. Sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt, các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã nhất trí về một mức giá cận biên cho khí đốt nhập khẩu. Song, giới quan sát cho rằng, việc giới hạn giá của EU sẽ không giúp giải quyết được tận gốc vấn đề. Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson, đầu tuần này phải thừa nhận, việc EU áp trần giá khí đốt mới chỉ là bước đầu tiên để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có mà các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt:
“Điều quan trọng là giờ đây chúng ta phải tiến tới việc hiện thực hóa kế hoạch mua chung khí đốt. Chúng ta cần đẩy nhanh, củng cố tinh thần đoàn kết trong giải quyết bài toán năng lượng. Cơ chế điều chỉnh thị trường sẽ chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi kết hợp cùng với những biện pháp khác như tiết kiệm khí đốt cũng như hỗ trợ người tiêu dùng”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic, hiện EU đang thúc đẩy việc mua chung khí đốt và cố gắng hoàn thành mục tiêu giảm nhu cầu khí đốt thêm 15% trong bối cảnh cơn khát năng lượng đang được cảm nhận rõ tại nhiều quốc gia.
Tại Đức, các cổ đông của Uniper vừa phải thông qua gói cứu trợ của chính phủ, mở đường cho việc quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt đang bên bờ vực phá sản này. Đây là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Đức, bán khí đốt tự nhiên cho hàng trăm công ty và nhà cung cấp năng lượng, nhưng đã phải hứng chịu không ít tổn thất từ xung đột Nga-Ukraine. Theo Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, việc quốc hữu hóa Uniper sẽ bắt đầu trong tuần này.
Tại Pháp, đối mặt với những lo ngại về khả năng bị cắt điện quy mô lớn và liên tục trong mùa đông này, người dân và doanh nghiệp trong nước đang tích trữ máy phát điện và các loại bếp gas nhỏ. Doanh số bán đèn và bếp gas nhỏ tại nhiều cửa hàng ở Paris đã tăng gấp 10 lần trong tháng 12 này.
Tại quốc gia nằm ngoài EU là Vương quốc Anh, một cuộc khảo sát gần đây với hơn 2.500 người do Cục Thống kê Quốc gia thực hiện cho thấy, 4% số người được hỏi cho biết họ đã không thể chi trả được hóa đơn tiền điện. Nhiều người trong số họ đã phải liên tục trì hoãn việc thanh toán, hay thậm chí buộc phải đến thư viện để tránh rét.
Để đối phó với khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ, các biện pháp như tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng đang là mục tiêu hàng đầu mà EU hướng tới. Cùng với đó là việc đa dạng hóa các chính sách tiết kiệm năng lượng - một trong những giải pháp được đánh giá là khả thi và mang lại hiệu quả đáng kể trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm khí đốt trước mắt./.