Năm 2023, ngành Tài chính khôi phục niềm tin của thị trường
Chiều 27/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã trình 06/06 Đề án được giao theo Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các đề án quan trọng, như: Phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm quốc gia 2024-2026; Đề án “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”; Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) và chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP), các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thu NSNN và công tác quản lý, điều hành thu NSNN
Ngày từ đầu năm, Bộ Tài chính tích cực rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường,...
Theo đó, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 79 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng); chỉ đạo quản lý, điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng,...
Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện thu NSNN đến ngày 25/12/2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán (NSTW tăng 4,6%; NSĐP tăng 4,4% so dự toán); trong đó, thu nội địa tăng 5,7%, thu dầu thô đạt tăng 44,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó: miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).
Chi NSNN, cân đối NSNN và huy động vốn
Ước đến ngày 31/12/2023, chi NSNN đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022, chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cân đối NSTW và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc NSTW đến hạn.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2023 về Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023-2025; chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương tổ chức triển khai đánh giá và xây dựng, trình Chính phủ, trình Quốc hội Báo cáo về tình hình nợ công năm 2023, dự kiến năm 2024 và sơ kết 3 năm kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Năm 2023, cả 03 tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đều đánh giá triển vọng dài hạn của Việt Nam ở mức tích cực, trong đó Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức BB lên mức BB+ “Triển vọng ổn định”; S&P, Moody’s giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng là BB+ “Triển vọng ổn định”; Ba2 “Triển vọng tích cực”).
Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Điều hành giá cả, thị trường phù hợp, tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm
Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành Luật Giá (thay thế Luật Giá năm 2012). Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Phối hợp với các Bộ, ngành điều hành giá bán lẻ xăng dầu, giá bán lẻ điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục,...
Công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, kiểm soát trong phạm vi cho phép, CPI 11 tháng tăng 3,2%, lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Ước tính cả năm CPI tăng khoảng 3,5% (mục tiêu khoảng 4,5%).
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023 có biến động tăng giảm đan xen, với xu hướng phục hồi. Tính đến ngày 25/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,1% so cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP năm 2022.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. Từ tháng 7/2023, đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó đã góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường công khai, minh bạch, cảnh báo rủi ro trên thị trường.
Đến 25/12/2023, đã có 78 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 01 thông tư. Thị trường bảo hiểm năm 2023 tăng trưởng khả quan, với tổng tài sản tăng 11,1%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,8%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 31,3%. Riêng doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022, chủ yếu do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.
Nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã tổng hợp tình hình phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung xây dựng dự thảo các Nghị định nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn năm 2023 chậm. Tính đến 25/12/2023, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn tại 12 đơn vị với giá trị 65,2 tỷ đồng, thu về 229 tỷ đồng.
Thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 về chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện 78,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 748,4 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 14,6 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 107 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 47 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 17,3 nghìn tỷ đồng); kiến nghị giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 54,5 nghìn tỷ đồng , xử lý vi phạm hành chính 5,5 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đã bắt giữ, xử lý gần 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ tiêu biểu, như: thu giữ trên 65.000 lít dầu D/O, FO và xăng các loại, 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 2,8 tấn ma túy các loại,.... Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ.
Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác tài chính
Tiếp tục thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong khuôn khổ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 03 Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương; chuẩn bị thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và I-xra-en (VIFTA); thực thi cam kết thuế bổ sung với các thành viên đã ký kết trong Hiệp định CPTPP: tiếp tục thực hiện đàm phán 02 FTA (Việt Nam - Khối EFTA và Việt Nam - UAE)...
Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024
Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10,11/2023), Quốc hội đã thông qua:
a) Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6-6,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4-4,5%,...;
b) Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán NSNN năm 2024 với các chỉ tiêu như sau:
- Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; trong đó: (i) thu nội địa chiếm 84,9%; (ii) thu dầu thô chiếm 2,7%; (iii) thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%.
- Dự toán chi NSNN là 2,12 triệu tỷ đồng; trong đó: (i) chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 32%; (ii) dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 55,5%.
- Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.