Năm 2023, nông nghiệp sẽ chuyển mình mạnh mẽ

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự tin tưởng như vậy đối với ngành nông nghiệp tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 13/1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng rõ nét

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Sản xuất nông nghiệp cả nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì ổn định, phát triển và tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tăng 3,36% so với cùng kỳ; xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác với tổng kim ngạch hơn 53 tỷ USD. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%, xây dựng 1.666 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành nông nghiệp, các địa phương và sự quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong năm 2022.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải phấn đấu đạt từ 55 tỷ USD trở lên; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; 280 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn 60%....

Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh, và linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Tái cơ cấu ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực

Về mục tiêu cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Cùng với đó, đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, ngành nông nghiệp năm 2023 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, nước ta trở thành nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ sống được bằng nông nghiệp, ngày càng giàu có, sung túc, văn minh hơn. Nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn...

Sản xuất nông nghiệp cả nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì ổn định, phát triển và tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tăng 3,36% so với cùng kỳ; xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác với tổng kim ngạch hơn 53 tỷ USD.

T.Xuân/VOV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nam-2023-nong-nghiep-se-chuyen-minh-manh-me-5707617.html