Năm 2023, phương thức tuyển sinh đại học bằng IELTS vẫn 'hot'

Trong một vài mùa tuyển sinh gần đây, việc các trường đại học đưa các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào tuyển sinh không còn lạ lẫm, thậm chí, đây là phương thức tuyển sinh khá 'hot', nhiều thí sinh lựa chọn. Để xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần đạt ngưỡng điểm IELTS từ 5.0 - 6.0 trở lên.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố dự kiến phương án tuyển sinh đại học năm 2023 với 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, điều kiện bắt buộc cho tất cả các đối tượng là tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm Tốt trong 3 năm học THPT và có kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.

Ngoài ra, để xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ vào trường, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL iBT từ 79 điểm trở lên và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trường có 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; thi tuyển; kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Với phương thức xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh các trường THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023).

Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại Tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT và phải thỏa mãn một trong các điều kiện quy định của trường. Nguyên tắc xét tuyển là xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn học ở bậc THPT theo quy định của mỗi ngành (đã cộng điểm ưu tiên, nếu có theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành).

Nhiều thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng IELTS để vào đại học. Ảnh minh họa

Nhiều thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng IELTS để vào đại học. Ảnh minh họa

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách Khoa Hà Nội với 7 mã tuyển sinh; xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Năm nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dành tới 70% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Ở phương thức này, nhà trường xét tuyển 5 nhóm đối tượng cho tất cả các mã ngành/chương trình tuyển sinh đại học chính quy. Trong đó, nhà trường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển đối với 2 nhóm thí sinh.

Nhóm thứ nhất là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia. Điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023, đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên và có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 700 điểm trở lên.

Nhóm thứ hai là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023, đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn Toán và 1 môn khác môn Tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.

Trường Đại học Ngoại thương cho biết sẽ giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Điểm mới trong tuyển sinh năm nay, nhà trường cũng thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội.

Trong 6 phương thức xét tuyển của Trường Đại học Ngoại thương có phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Thời gian tuyển sinh dự kiến là vào cuối tháng 7, ngay sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Học viện Ngoại giao dự kiến xét tuyển vào hệ đại học chính quy năm 2023 theo các phương thức xét tuyển. Cụ thể, trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT: Đối với thí sinh tham gia/đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi hoặc là học sinh trường THPT chuyên/trọng điểm quốc gia hoặc có chứng chỉ quốc tế.

Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT và phỏng vấn: Đối với thí sinh có năng lực, thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực Văn hóa, Nghệ thuật, Khoa học, Thể thao, Báo chí-Truyền thông,…được cấp có thẩm quyền xác nhận (tương đương cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên) và được Hội đồng tuyển sinh xem xét và quyết định. Hoặc đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế trong các lĩnh vực được Hội đồng tuyển sinh xem xét và quyết định.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đưa ra phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với điều kiện thí sinh có chứng chỉ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36 (các chứng chỉ này phải còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển). Bên cạnh đó, thí sinh phải có tổng điểm 2 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải Ngoại ngữ).

Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trường ưu tiên xét tuyển kết hợp với kết quả học bạ THPT cho các đối tượng như học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; học sinh học tại các trường chuyên (đối với các môn trong tổ hợp xét tuyển); học sinh có học lực xếp loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả học tập THPT.

Tương tự, nhiều trường đại học ở phía Nam hiện cũng đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó cũng có không ít trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ IELTS.

Điều kiện xét tuyển vào Trường Đại học Luật TP.HCM là thí sinh phải có IELTS đạt từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên, DELF B1 từ B1 trở lên hoặc TCF từ 300 điểm trở lên, JLPT từ N3 trở lên. Đồng thời, thí sinh cũng cần có điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên.

Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ tương đương trong thời gian còn hiệu lực tính đến ngày 29.8.2022.

Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM năm 2023 là có phương án xét tuyển thẳng theo quy định của trường. Phương thức này cũng áp dụng cho nhóm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: IELTS từ 5.0 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên.

Xu hướng xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ dẫn tới tình trạng thí sinh học lệch

TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm, xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu thế tất yếu song xu hướng này sẽ dần dẫn tới tình trạng tiêu cực, thí sinh học lệch. Ngoài ra, phương thức tuyển sinh này không tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh thành phố có điều kiện với các thí sinh vùng miền khác. "Các trường nên lấy kết quả thi IELTS là một tiêu chí để xét tuyển đại học chứ không phải là kết quả đại diện cho một phương thức tuyển sinh. Về lâu dài như cách làm hiện nay sẽ không ổn, dù kết quả chứng chỉ ngoại ngữ này là chính xác".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-2023-phuong-thuc-tuyen-sinh-dai-hoc-bang-ielts-van-hot-169230205072349335.htm