Năm 2023, sinh viên những ngành học nào được miễn, giảm học phí?
Hiện có rất nhiều ngành học được miễn, giảm học phí cho sinh viên theo quy định của Chính phủ. Thí sinh và phụ huynh tham khảo để cân nhắc và lựa chọn trong mùa tuyển sinh tới đây.
Nhiều ngành học được miễn, giảm học phí
Chính phủ quy định đối tượng miễn học phí gồm: Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; hoặc học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Ngoài các ngành học trên, sinh viên thuộc một trong các trường hợp sau cũng được miễn học phí khi theo học các cơ sở đào tạo đại học công lập: Sinh viên hệ cử tuyển; Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học người dân tộc thiểu số mà có cha/mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (nếu ở với ông bà) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2017/NĐ-CP: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô.
Các đối tượng được giảm học phí 70%: Sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH quy định...
Ngoài các ngành học trên, chế độ giảm 70% học phí còn áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (trừ dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.
Các đối tượng được giảm 50% học phí: Sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên sẽ được giảm 50% học phí tại các cơ sở đào tạo đại học công lập.
Học ngành khoa học cơ bản được giảm học phí
Trong mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường đại học đưa ra các chương trình hỗ trợ học phí, cấp học bổng nhằm thu hút thí sinh ứng tuyển vào các ngành khoa học cơ bản.
Năm học 2022 - 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Trong đó, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ, gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn gồm 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến cũng sẽ dành hàng tỉ đồng để hỗ trợ thí sinh trúng tuyển năm 2023 vào 10 ngành học được hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách nhà nước và của nhà trường. Đó là các ngành triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học, nhân học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Nga.
Sinh viên của các ngành này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi như: học bổng toàn phần tương đương mức học phí năm học thứ nhất dành cho học sinh giỏi, xuất sắc; được tài trợ chi phí học ngoại ngữ. Ngoài ra, sinh viên còn được giảng viên hỗ trợ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp; chương trình chia sẻ của các nhà tuyển dụng, nhà quản lý; các hoạt động ngoại khóa được thiết kế riêng...
Trong khi đó, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), theo ThS. Trần Vũ - Trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, nhà trường tiếp tục duy trì gói học bổng 2 tỉ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên) dành cho thí sinh trúng tuyển năm 2023 với thành tích cao vào 7 ngành/nhóm ngành.
Đó là những ngành/nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030 như nhóm ngành vật lý học, công nghệ vật lý điện tử và tin học; hải dương học; kỹ thuật hạt nhân; địa chất học; kỹ thuật địa chất; khoa học môi trường; công nghệ kỹ thuật môi trường.
Theo ThS. Trần Vũ, những ngành học trên có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít nên tỉ lệ cạnh tranh thấp, nhưng lĩnh vực làm việc khá rộng và đáp ứng được nhiều nhu cầu xã hội. Ngoài những chính sách trên, nhà trường còn kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng cựu sinh viên để hỗ trợ học bổng khuyến học dành cho các sinh viên tài năng và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo cam kết của trường, đó là không để sinh viên vì điều kiện khó khăn về kinh tế mà ngừng học.
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã xây dựng quỹ học bổng "Truyền cảm hứng UED" với mức hỗ trợ khá cao (tối đa 120 triệu đồng/sinh viên cho toàn khóa học). Theo PGS.TS Lưu Trang - hiệu trưởng nhà trường, học bổng này hướng đến thí sinh khi đăng ký tuyển sinh, trúng tuyển vào các ngành sư phạm tin học, sư phạm sinh học, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm công nghệ của trường.
Học bổng được chia thành 3 triệu đồng/tháng trong năm học đầu tiên (10 tháng/năm). Từ năm thứ 2, sinh viên cần duy trì kết quả học tập tốt để tiếp tục được nhận học bổng theo các mức tương ứng với kết quả học tập.