Năm 2023, xu hướng bán lẻ đa kênh được nhân rộng trên nền tảng số
Năm 2023, xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng trên nền tảng số.
Đó là những chia sẻ của Giám đốc Tăng trưởng (CGO), Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo Dung Lê khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.
Điểm sáng ngành bán lẻ
Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế.
CEO Dung Lê thông tin, khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại, tổng quan ngành bán lẻ 2022 là sự phục hồi về doanh thu.
Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Phần lớn trong số họ đang kinh doanh trong lĩnh vực thời trang - phụ kiện, mỹ phẩm, tạp hóa - siêu thị mini và đồ chơi.
Để đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng như năm 2022, các nhà bán hàng đã sử dụng nhiều phương thức kích thích sức mua, đẩy hàng tồn và khai thác lợi thế kinh doanh tốt hơn. Trong đó, 65,58% nhà bán hàng tạo các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà, tặng thêm sản phẩm. Chỉ 1,09% nhà bán không có phương án cụ thể để thúc đẩy doanh thu.
Trong năm 2022 ghi nhận sự phát triển vượt bậc của kênh marketing qua Người nổi tiếng/ Người ảnh hưởng (KOL)/ Người tiêu dùng chủ chốt (KOC)...
Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.
Mặt khác, nhà bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68,01%, trong khi đó tỉ lệ này với người bán hàng online là 16,9% và người chỉ bán tại cửa hàng là 15,07%
Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến hoàn toàn, tỷ lệ có sự tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử (43,75%). Trong khi đó, phần lớn nhà bán hàng trên Facebook (mạng xã hội) cho biết họ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10-30%
Xu hướng tối ưu vận hành
CEO Dung Lê cho biết: “Nhìn lại 2022, toàn nền kinh tế có sự khởi sắc nhưng còn không ít thách thức; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm 2021. Triển vọng ngành bán lẻ năm 2023 phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố rủi ro đối với kinh tế cả nước: sự bất ổn địa chính trị thế giới, dấu hiệu tăng mạnh của lãi suất ngân hàng, lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi tiêu và sức mua của người dân.”
Kết thúc năm 2022, 74,5% nhà bán hàng kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, 12,18% nhà bán hàng tin tưởng ngành bán lẻ chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Bước sang năm 2023, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Thương mại điện tử sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam.
Xu hướng thứ 2 là Shoppertainment - Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Hình thức kinh doanh này đã khởi sinh từ trong đại dịch và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới. Lượng bán hàng trung bình liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung sẽ tăng mạnh.
Theo bà Lê Dung, xu hướng thứ ba là cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp chủ cửa hàng ngành bán lẻ mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả. Các nhà bán hàng có thể lựa chọn phần mềm quản lý và bán hàng không chỉ hỗ trợ vận hành cửa hàng offline truyền thống, mà thúc đẩy kênh bán hàng online và tăng trưởng đa kênh.
Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành bán lẻ năm 2022 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là bước đệm thuận lợi để các nhà bán hàng khôi phục và tăng trưởng trong năm 2023.