Năm 2024, Bình Thuận vượt khó vững bước phát triển
Từ kinh nghiệm của năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, vẫn tiềm ẩn không ít thách thức khó lường phía trước.
Bước vào năm 2024, có nhiều bối cảnh khó khăn thách thức bất ổn của thế giới nhưng với sự điều hành chủ động và quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã bắt tay vào việc ngay từ những ngày đầu năm và triển khai một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó giúp cho kinh tế Việt Nam đạt được nhiều điểm sáng tích cực. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mới trong năm 2024.
Bình Thuận xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tỉnh xác định mục tiêu khai thác lợi thế của 3 trụ cột kinh tế, tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh nhà gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần khai thác lợi thế so sánh để phát triển kinh tế tỉnh nhà trong tương lai.
Bình Thuận đã đặt ra chỉ tiêu tăng GRDP đạt từ 8 – 8,5% trong năm 2024, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng từ 11,5 - 12,4%; dịch vụ tăng từ 9,5 - 10%; nông, lâm, thủy sản tăng từ 3 - 3,2%. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại dần hoàn thiện được khai thông, các cơ chế chính sách “đặc thù” được áp dụng “hứa hẹn” sẽ là những yếu tố tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế Bình Thuận trong vùng kinh tế động lực trọng điểm Đông Nam bộ.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ và năm 2024, tại cuộc gặp đầu năm, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu và đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải bắt tay ngay vào từng công việc cụ thể ngay từ những ngày đầu năm và từ ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng tâm, kỷ cương, trách nhiệm; có quyết tâm cao, chủ động từ xa, từ sớm, nhận diện rõ những nguy cơ, thách thức; phát huy tư duy đổi mới, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp lãnh chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, khoa học, quyết tâm cao để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, tạo đà cho cả nhiệm kỳ.
Ảnh: Đ.Hòa
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức phải tập trung giải quyết các công việc mà người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức yêu cầu. Nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, trong đó xác định nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, ưu tiên cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAR INDEX, PAPI để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới. Thường trực Tỉnh ủy cũng xác định để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và trong tương lai, thì cả hệ thống chính trị của tỉnh và người đứng đầu phải làm gương, phải vào cuộc với quyết tâm hơn nữa trong cả nhận thức và hành động, với tinh thần, đó là: Chính quyền kiến tạo, cán bộ công chức, viên chức đổi mới sáng tạo, công dân số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và dám nghĩ, dám làm, tham mưu tổ chức thực hiện đúng, trúng và hiệu quả chính là thước đo cho việc lãnh, chỉ đạo trên cơ sở hành động của người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương cùng cam kết hành động năm 2024 với quyết tâm cao.
Muốn vậy, cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, người đứng đầu sở, ban, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có quyết tâm cao, tiếp tục nỗ lực hơn nữa, làm việc bằng cả trách nhiệm và tình cảm, có tâm và tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà làm thước đo “hữu hiệu” nhất mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân và hơn hết là trách nhiệm, danh dự của công dân Bình Thuận.
Với quyết tâm cao từ những chuyển biến và bài học kinh nghiệm trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là các chương trình, nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh nửa nhiệm kỳ, các chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời chú ý đến từng mục tiêu cụ thể trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhất là khai thác lợi thế 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, về đầu tư công, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch xanh và bền vững…
Không “tô hồng”, nhưng đủ tin tưởng rằng, nền kinh tế tỉnh Bình Thuận năm 2024 và giai đoạn tới sẽ lướt qua những “cơn gió ngược” một cách vững vàng để hy vọng có thể “cất cánh” cùng với các tỉnh, thành trong cả nước. Có thể thấy, bước sang năm 2024 với những khó khăn, thách thức cần phải đương đầu phía trước, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục đổi mới, sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Bình Thuận cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và năm 2024 đã được xác định rõ từ trước, Bình Thuận sẽ sớm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.