Năm 2024, cần nhiều giải pháp để kích cầu thị trường nội địa

Ngày 19/12, Báo Người Lao động tổ chức diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ nhất với chủ đề 'Kích cầu thị trường nội địa'. Các chuyên gia, diễn giả cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính…

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: S.Nam

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: S.Nam

Tận dụng tốt cơ hội vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng

Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đến nay, các văn bản của Đảng, Quốc hội đã đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, có việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong 2024.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức 200% GDP, nên diễn biến tình hình quốc tế có ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt các cơ hội bên trong và bên ngoài, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Để làm được điều này, phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm: đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy nhiều hơn nữa đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài. Trong đó, những định hướng, giải pháp lớn đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Quốc hội.

Cũng theo ông Hưng, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết cho 6 vùng kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, việc thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế, các vùng động lực, các địa phương mới nổi song hành cùng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng.

Ông Hưng cho rằng, vấn đề quan trọng thứ 2 là tiếp tục cải cách thể chế, không những hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cán bộ, công chức làm việc, mà còn đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy.

Saigon Co.op chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp cuối năm 2023. Ảnh: S.Nam

Saigon Co.op chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp cuối năm 2023. Ảnh: S.Nam

Theo Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, thị trường nội địa là thị trường rất quan trọng của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, kể cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI, nên phải chăm chút, nuôi dưỡng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Năm 2023, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp thành công và năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện.

Theo đó, kết quả doanh số bán buôn bán lẻ trong 2023 tăng lên 707.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố cũng tăng cao hơn cả nước. Xu hướng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, doanh thu thương mại điện tử 2023 tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 60%.

Tính chung, doanh thu thương mại dịch vụ trên địa bàn tăng trên trong đó doanh thu bán buôn bán lẻ đóng góp đáng kể. Một trong những giải pháp khác của TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ doanh nghiệp là tổ chức hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo cầu nối cho doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, nhà mua hàng quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cũng đề xuất một số điểm phát triển thị trường nội địa trong thời gian tới, đó là cân nhắc các mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài và các giao dịch rất quan trọng đối với doanh nghiệp bán lẻ; tận dụng lại những quy hoạch liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, quan hệ hợp tác để các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội này một cách cụ thể hơn để vận hành kinh doanh; tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp; ứng dụng các kênh mạng xã hội để tạo xu thế kích cầu dựa trên nguồn lực mới này và giữ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng.

Đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa, bởi đây là trọng tâm, cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Để kích cầu nội địa, TS. Trần Du Lịch đề xuất: Quốc hội đã quyết kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%, nhưng nhiều ý kiến kiến nghị có thể giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu. Nếu giảm thuế giá trị gia tăng nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, nhưng việc giảm này nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.

Cũng theo TS. Trần Du Lịch, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà soát lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Theo đó, nếu gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện và Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bùi Thúy Hằng cho biết, trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Cùng với tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2024-can-nhieu-giai-phap-de-kich-cau-thi-truong-noi-dia-141876.html