Năm 2024, đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, lương hưu thấp nhất là bao nhiêu?
Mức lương hưu thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương, mức lương hưu thấp nhất sẽ tăng.
Theo quy định tại khoản 5, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở.
Thực hiện Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở đang được áp dụng cho 9 nhóm đối tượng là 1.800.000 đồng/tháng, kể từ ngày 1/7/2023. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng.
Nghị quyết số 104/2023/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Quốc hội đã quyết nghị về thực hiện chính sách tiền lương. Theo đó, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở, đồng nghĩa với mức lương hưu thấp nhất sẽ tăng. Khi đó Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn về cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.
Cùng với việc tăng mức lương hưu thấp nhất, năm 2024 tuổi nghỉ hưu của người lao động cũng tăng theo lộ trình theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Năm 2024 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 61 tuổi đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Điều kiện hưởng lương hưu của người lao động nghỉ hưu năm 2024 được quy định tại Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc trong điều kiện lao động bình thường khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đủ tuổi theo quy định (năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ 56 tuổi 4 tháng).
- Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB&XH ban hành; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
- Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu.