Năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch
Theo số liệu mới nhất từ Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của NAPAS vừa tổ chức tại Hà Nội , ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS nhấn mạnh, bối cảnh năm 2024 có nhiều sự thay đổi về thể chế, chính sách mới trong lĩnh vực Thanh toán như Nghị định 52/2024/NĐ-CP, Thông tư 17,18 và các Thông tư liên quan về thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng, trung gian thanh toán đã triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 và Thông tư 50 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Đây là những thay đổi căn cơ và là nền tảng nhằm tăng cường an ninh an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, giúp hệ thống thanh toán Việt Nam phát triển bền vững hơn”, ông Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Hội đồng quản trị, NAPAS đã chủ động phối hợp cùng các tổ chức thành viên triển khai các giải pháp công nghệ mới thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán số thông qua mã VietQR, thẻ ngân hàng, tài khoản, ví điện tử, mobile money góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng chung của toàn ngành.
Theo Tổng Giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh, năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so năm 2023. Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch.
Đối với giao dịch trên ATM, năm 2024 tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm liên tiếp. Giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. “Kết quả nói trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/ thanh toán bằng mã VietQR”, ông Nguyễn Quang Minh nhận định.
Trong năm 2024, bám sát mục tiêu hàng đầu là tổ chức vận hành hạ tầng chuyển mạch bù trừ an toàn, ổn định và thông suốt, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường giám sát, bảo đảm hoạt động liên tục của hệ thống cũng như năng lực xử lý đáp ứng nhu cầu tăng trưởng không dùng tiền mặt của thị trường. Đồng thời, nhằm tăng cường phối hợp ngăn chặn các giao dịch gian lận, giả mạo, NAPAS phối hợp Hiệp hội Ngân hàng, đã làm đầu mối xây dựng Quy trình hỗ trợ xử lý tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo cho các ngân hàng; hỗ trợ cung cấp thông tin/dữ liệu giao dịch qua hệ thống NAPAS từ các cơ quan cảnh sát điều tra phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn đánh giá điểm nổi bật trong hoạt động của NAPAS chính là thúc đẩy triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử cho các nhóm dịch vụ công và tăng cường phối hợp các bộ, ngành, địa phương; mở rộng mạng lưới Tổ chức thành viên tham gia triển khai dịch vụ, góp phần tạo sự đa dạng trong thanh toán dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng như ứng dụng VNeID của Bộ Công an.
Đồng thời, điểm sáng trong số những hoạt động của NAPAS trong năm qua còn là hoạt động kết nối quốc tế với các tổ chức thẻ quốc tế theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước như hoàn thành kết nối theo tiêu chuẩn, quy định với JCB, UPI, Amex,… và tích cực triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Campuchia và Lào.
Trong năm 2025, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị NAPAS trong vai trò đơn vị xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia và cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, tiếp tục tập trung, thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước giao.
Theo đó, cần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục chú trọng thực hiện nội dung của Chiến lược Phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030,…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-2024-he-thong-napas-xu-ly-956-ty-giao-dich-post856147.html