Năm 2024 nên đầu tư vào kênh nào? (Bài 1)
Sau một năm 2023 đầy biến động, việc lựa chọn kênh đầu tư trong năm 2024 có thể làm đau đầu nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với năm vừa qua, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong năm 2024 đã trở nên khả quan hơn.
Vàng - kênh đầu tư biến ảo khôn lường
Năm 2023 có thể coi là năm của vàng với những biến động liên tục từ đầu đến cuối năm. Kết thúc năm 2023, sáng 1-1-2024 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 2.062,9 USD/ounce, tăng 13% so với thời điểm 1-1-2023. Giá vàng trong nước cũng biến động cơ bản cùng chiều với thế giới. Thời điểm ngày 1-1-2023, vàng SJC mua vào 65,9 triệu đồng/lượng, 66,7 triệu đồng/lượng bán ra. Ngày 1-1-2024, giá vàng SJC mua vào ở mức 71 triệu đồng/lượng và bán ra mức 74 triệu đồng/lượng.
Việc vàng tăng giá trong năm 2023 được lý giải bằng hai nguyên nhân chính: Những bất ổn về căng thẳng địa chính trị và lạm phát khiến nhu cầu trú ẩn của các nhà đầu tư tăng cao. Trong khi, vàng là một kênh đầu tư luôn được đánh giá có độ an toàn cao.
Bước sang năm 2024, vấn đề bất ổn chính trị vẫn chưa có tia sáng nào tỏ rõ. Điều đó có nghĩa, vàng sẽ có thể vẫn tiếp tục phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ nguyên nhân này. Trong khi đó, nguyên nhân lạm phát lại hạ nhiệt. Chỉ số lạm phát của Mỹ tương đối ổn định quanh mức 3% trong những tháng gần đây. Vấn đề lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đã cơ bản được giải quyết. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương châu Âu điều chỉnh hạ lãi suất.
Trong trường hợp Fed giảm lãi suất, đồng USD (được sử dụng để định giá vàng) giảm giá, giá vàng sẽ tăng tương ứng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, lại xuất hiện một yếu tố kéo lùi giá vàng. Đó là nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng giảm sút.
Theo các tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực kim loại quý, trong năm 2024, vàng vẫn là một kênh đầu tư hứa hẹn mang lại lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, với tình hình địa chính trị bất ổn, diễn biến của giá vàng sẽ có biến động mạnh. Ngân hàng J.P. Morgan dự báo, thị trường vàng sẽ có thể tăng đột biến vào thời điểm giữa năm 2024. Đây cũng là thời điểm nhiều khả năng Fed sẽ giảm lãi suất. Các chuyên gia của ngân hàng này nhận định giá vàng có thể chạm mức cao nhất là 2.300 USD/ounce. Trong khi đó, Ngân hàng UBS cho rằng, nếu kỳ vọng cắt giảm lãi suất thành hiện thực, vàng sẽ đạt mức kỷ lục là 2.150 USD/ounce vào cuối năm 2024.
Cũng liên quan tới kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự đoán, vàng có thể tăng tới 4%. Trong khi đó, các chuyên gia như Naveen Mathur của Anand Rathi, Datuk Seri Meer Habib của Habib Jewels Sdn Bhd, Bob Haberkorn của RJO Futures và Giovanni Staunovo của UBS đều nhận định vàng sẽ chinh phục mức cao mới mọi thời đại vào năm 2024 và kim loại quý này có thể chạm mốc 2.250 USD/ounce, thậm chí là 2.400 USD/ounce.
Bất động sản - le lói hy vọng
Những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, liên tục 3 đạo luật liên quan tới thị trường bất động sản được Quốc hội thông qua. Đó là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này hứa hẹn tạo chuyển biến lớn trên thị trường. Bởi lẽ, pháp lý luôn là một vấn đề gây trở ngại đáng kể đối với việc phát triển thị trường bất động sản. Vì thế, một hành lang pháp lý đầy đủ, thông suốt sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư đổ vốn vào thị trường này.
Ở góc độ thị trường, năm 2023, dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản đã từng bước hồi phục. Kết quả ghi nhận các giao dịch trên thị trường trong năm 2023 đã có đà tăng liên tục về quy mô theo thời gian: 2.700 giao dịch trong quý I, 3.700 giao dịch trong quý II, 6.000 giao dịch trong quý III và gần 6.000 giao dịch trong quý IV. Đây được coi là bước “tạo đà” quan trọng cho thị trường bất động sản năm 2024.
Cũng từ năm 2023, vấn đề vốn cho thị trường bất động sản có sự thay đổi mạnh mẽ. Theo ước tính của Viện Đào tạo nghiên cứu BIDV, năm 2022, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 7,7% trong cơ cấu vốn của lĩnh vực bất động sản, thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên tới 26%. Trong khi, năm 2022, nguồn vốn tín dụng trong cơ cấu vốn của lĩnh vực bất động sản chiếm đến gần 74%, thì năm 2023, giảm xuống còn 54%. Điều này có nghĩa, cơ cấu vốn của lĩnh vực bất động sản đang dịch chuyển dần sang nguồn trái phiếu doanh nghiệp. Đây là bước chuyển góp phần quan trọng làm ổn định thị trường bất động sản. Bởi lẽ, để phát hành thành công trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản phải chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Từ đó, tạo cơ hội thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém trong lĩnh vực này.
Mặt khác, khi giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, thị trường bất động sản sẽ phát triển ổn định hơn, tránh được tình trạng bị “bơm thổi” quá mức bởi nguồn vốn “dễ dãi”.
Tuy nhiên, hành trình dịch chuyển cơ cấu nguồn vốn cho thị trường bất động sản vẫn là một câu chuyện dài. Dư nợ tín dụng bất động sản hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao, lên tới hơn 20% tổng dư nợ đối với nền kinh tế và vẫn trong xu hướng tăng. Tính đến cuối năm 2023, theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản ước khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,4% tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống.
Mặt khác, dư nợ tín dụng lại chủ yếu tăng đối với nhà phát triển bất động sản, trong khi tín dụng vay mua nhà lại rất thấp. Nguyên nhân là cơ cấu nguồn cung không phù hợp, lo ngại rủi ro lãi suất tăng sau thời gian ưu đãi và thu nhập sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều này ẩn chứa rủi ro khó giao dịch khi sản phẩm bất động sản được tung ra thị trường.
Vào trung tuần tháng 1-2024, Báo Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”. Tại diễn đàn, các chuyên gia đồng quan điểm năm 2024, dù còn tồn tại nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn.
Theo ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, bất động sản đô thị có thể phục hồi, bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng bất động sản nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới phục hồi.
Ông Mai Viết Vĩnh, Chủ tịch Mai Việt Land cho rằng, vùng đáy của thị trường bất động sản rơi vào năm 2023, đến 2024 thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh. Cụ thể, giai đoạn này, hiện tại nguồn lực tài chính bắt đầu rót vào thị trường bất động sản có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu cũng được Chính phủ chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của người mua vào thị trường trong thời gian qua đã quá thấp nên thị trường chưa thể ổn định trong thời gian ngắn.
Tựu trung, năm 2024, thị trường bất động sản vẫn phải chịu một số tác động thiếu thuận lợi như: Niềm tin của người tiêu dùng, khả năng tiếp cận vốn tín dụng, cơ cấu nguồn cung… Nhưng ở chiều hướng ngược lại, dưới góc độ vĩ mô, thị trường bất động sản sẽ nhận được tác động tích cực từ tốc độ hồi phục ngày càng mạnh hơn của nền kinh tế. Cùng đó, những chính sách đã cơ bản hoàn thiện sẽ mang lại hành lang pháp lý thông thoáng để thị trường này phát triển. Mặt khác, giá vốn tín dụng đang trong xu thế ngày càng giảm sẽ tạo điều kiện cho cả nhà phát triển bất động sản lẫn người tiêu dùng.
(còn nữa)
HUY ĐĂNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nam-2024-nen-dau-tu-vao-kenh-nao-bai-1-765055