Năm 2024, ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động?
Thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp, xây dựng hiện đang là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trong năm 2024.
Nhu cầu lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông qua hoạt động thu thập thông tin, trong quý IV/2023 và đầu quý I/2024, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhiều lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ; tiếp đến là nhóm lao động trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, sản xuất… để hỗ trợ các đơn vị hoàn thành đơn hàng. Ngoài ra, lĩnh vực lưu trú - du lịch, công nghệ thông tin, thương mại điện tử… các đơn vị cũng có nhu cầu tuyển dụng nhỉnh hơn so với các ngành khác.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã tổ chức đa dạng các loại hình phiên giao dịch việc làm, trong đó có các phiên giao dịch việc làm bán thời gian. Ngay trong tháng 1/2024, có thể nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ vào khoảng 30.000 - 40.000 người và có thể lên đến 100.000 người trong quý I/2024. Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường lao động khởi sắc, các doanh nghiệp đang tích cực tham gia tuyển dụng.
Tại báo cáo thị trường lao động năm 2023 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi) cũng cho thấy, lực lượng lao động năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh ước tính là hơn 5,1 triệu người. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 là 8-8,5%, Falmi dự báo sẽ có khoảng 4,83 triệu lao động có việc làm. Nhu cầu lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực thương mại - dịch vụ (67,61%); sau đó là khu vực công nghiệp - xây dựng (30,89%); khu vực nông lâm thủy sản chiếm rất ít nhu cầu nhân lực (1,5%).
Còn theo báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group (Tập đoàn về tuyển dụng nguồn nhân lực), dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm 25% nhân sự trong năm 2024. Trong đó, Navigos Group chỉ ra rằng làm việc linh hoạt là xu hướng đang được nhiều người lao động quan tâm nhất trong thời gian tới, với 50% người lao động lựa chọn.
Đáng chú ý, những việc làm mới dần xuất hiện trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ tập trung về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh... Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như: công nghệ thông tin - viễn thông, xây dựng - bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính - tư vấn, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm.
Cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng
Trong Hướng dẫn lương 2024 của ManpowerGroup Việt Nam thông tin, những năm gần đây có sự gia tăng đáng kể nhu cầu về việc làm xanh và kỹ năng xanh trong các ngành nghề. Vì vậy, khoảng 70% doanh nghiệp trên toàn cầu đã và đang tích cực tuyển dụng các vị trí đòi hỏi kỹ năng xanh. Còn tại Việt Nam, theo số liệu tính đến 11 tháng năm 2023, lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo là ngành có nhu cầu tuyển dụng việc làm xanh nhiều nhất, với tỷ lệ lên tới 33%.
Đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho hay, nhà tuyển dụng chỉ dựa vào lương thì vẫn chưa đủ để thỏa mãn được nhu cầu và mong muốn đa dạng của người lao động. Do vậy, doanh nghiệp cần phải thoát khỏi lối mòn và linh hoạt hơn trong bài toán thu hút và giữ chân người lao động.
Đại dịch đã thay đổi những kỳ vọng của cả nhà tuyển dụng và người lao động, khiến họ chú trọng nhiều hơn sự hài hòa giữa công việc - cuộc sống. Giờ đây, người lao động mong muốn nhận được cả những phúc lợi khác từ doanh nghiệp như được nghỉ phép chăm con có hưởng lương, được đào tạo và phát triển kỹ năng, hay được lựa chọn linh hoạt về nơi làm việc.
Về phía người lao động, theo các chuyên gia của Navigos, người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi... Đặc biệt là phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024, mới đây, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu. Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục còn đối mặt với khó khăn thách thức, vì vậy, nêu rõ định hướng kế hoạch năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường.
Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa. Tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào.