Năm 2024: Người dùng Việt thích 'quét' hơn 'quẹt' khi mua sắm

Theo báo cáo hoạt động thanh toán điện tử năm 2024 qua nền tảng thanh toán Payoo, giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR hay mức tăng trung bình của thanh toán không tiếp xúc qua NFC đều cao hơn năm 2023. Qua đó, cho thấy xu hướng người tiêu dùng Việt ưa thích hình thức thanh toán quét mã QR, NFC hơn thanh toán quẹt thẻ khi mua sắm.

Thanh toán NFC phổ biến trong các giao dịch mua sắm. Ảnh minh họa: Payoo

Thanh toán NFC phổ biến trong các giao dịch mua sắm. Ảnh minh họa: Payoo

Cụ thể, thanh toán QR ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8% - 10% mỗi tháng; giá trị giao dịch trung bình của hình thức này cũng tăng 20% so với năm 2023. Trước đây, hình thức thanh toán mua sắm chủ yếu phổ biến ở các cửa hàng tiện lợi, hay người tiêu dùng chi trả cho bữa ăn tại quán ăn, nhà hàng, thì nay mở rộng sang một số lĩnh vực như nội thất, điện máy, trang sức, đầu tư tài chính. Điều này cho thấy QR không còn bị xem là giải pháp thanh toán cho những giao dịch giá trị nhỏ mà nay nó được công nhận như một phương thức tin cậy cho giao dịch lớn.

Bên cạnh QR, năm 2024 còn là năm của thanh toán không tiếp xúc qua NFC với mức tăng trung bình khoảng 6% mỗi tháng. Đóng góp một phần không nhỏ vào những thói quen thanh toán mua sắm này chính từ bởi các chương trình khuyến mãi do tổ chức thẻ, ngân hàng đồng phối hợp tổ chức.

Đặc biệt, phương thức thanh toán tích hợp thẻ vào thiết bị di động của hãng Apple (hay còn gọi là Apple Pay) đang trở thành xu hướng được quan tâm với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 15% mỗi tháng.

Cũng theo báo cáo của Payoo, năm 2024 ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể về tỷ trọng thanh toán trên tổng các ngành nghề, địa phương, từ 60% trực tuyến – 40% thanh toán tại điểm (năm 2023) đến 65% trực tuyến – 35% thanh toán tại điểm trong năm 2024.

Với phương thức thanh toán tại điểm, bên cạnh Hà Nội và TPHCM là hai địa phương dẫn đầu về tăng trưởng thanh toán không tiền mặt, năm 2024 ghi nhận một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang... có mức tăng trưởng giao dịch thanh toán điện tử trên 7% mỗi tháng.

Điều này cho thấy hiệu quả của các chương trình chuyển đổi số thanh toán từ khối dịch vụ công đến khối tư nhân đang được các bộ ban ngành, chính quyền địa phương và ngân hàng, trung gian thanh toán nỗ lực triển khai suốt thời gian qua.

P.V

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/nam-2024-nguoi-dung-viet-thich-quet-hon-quet-khi-mua-sam/