Năm 2024 sẽ mua thuốc, vật tư y tế như thế nào?

Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ sắp hết hiệu lực (ngày 31/12/2023). Để việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế không bị gián đoạn, Bộ Y tế đã chuẩn bị các phương án cho nội dung này.

 Bộ Y tế đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế.

Bộ Y tế đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đã thực hiện một số công việc như phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3163/QĐ-BYT ngày 10/8/2023 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Bộ Y tế đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư ban hành các danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu, Thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được Nhà nước đảm bảo. Sau khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực, Bộ Y tế sẽ ban hành các Thông tư này để các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, trong năm 2022-2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Trung tâm) đã tổ chức và phê duyệt kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc và Bộ Y tế phê duyệt kết quả đàm phán giá đối với 64 thuốc biệt dược gốc. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực dài (24 tháng).

Theo đó, các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ được thực hiện kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đến hết ngày 31/8/2024 và đàm phán giá đến cuối năm 2024, đầu năm 2025. Đối với các thuốc trúng thầu đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hầu hết đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.

Vì vậy, kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã góp phần giúp ổn định tình hình cung ứng thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đơn vị cũng đang tham gia sửa đổi, bổ sung một số quy định về đấu thầu thuốc để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc triển khai đấu thầu. Cụ thể, tham gia xây dựng, sửa đổi Thông tư 15 năm 2020 và Thông tư 03 năm 2019 để phù hợp với quy định mới của Luật Đấu thầu 2023.

Ông Dũng cho biết: “Hiện nay, 2 Thông tư này đang được xin ý kiến Ban soạn thảo cũng như Hội đồng Tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc và dự kiến ban hành cuối năm 2023 - trong khoảng 2 tuần nữa. Cục Quản lý Dược cũng đang phối hợp với đơn vị liên quan để sửa đổi bổ sung các quy định về đấu thầu mua thuốc, đặc biệt là Thông tư 06 năm 2023 sửa đổi bổ sung. Theo đó, các cơ sở y tế có thể mua được nhiều thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng… với giá phù hợp để phục vụ công tác khám chữa bệnh”.

Ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, trong 10 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý Dược đã có 9 đợt công bố các thuốc để gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2024. Đến nay, Cục đã ban hành danh mục 11.866 thuốc, trong đó, có khoảng 9.200 thuốc trong nước, hơn 2.400 thuốc nước ngoài và hơn 200 vaccine. Bên cạnh đó, Cục đã cấp mới và gia hạn Giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 hơn 4.300 thuốc và 79 thuốc là biệt dược gốc…Cục Quản lý Dược cũng đang tăng cường xem xét hồ sơ và việc kê khai, kê khai lại giá thuốc, trong đó hơn 6.700 hồ sơ đã được xem xét và giải quyết.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Ở thời điểm hiện tại có trên 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn đang hiệu lực, với khoảng 800 hoạt chất nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường nên không thể nói là thiếu được. Thiếu có thể liên quan đến mua sắm đấu thầu”.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa có kết quả đấu thầu thuốc đối với danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu, ông Lê Việt Dũng chia sẻ, nguyên nhân của vấn đề này phần lớn do khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu. Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nam-2024-se-mua-thuoc-vat-tu-y-te-nhu-the-nao-20231215200451439.htm