Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút FDI
Những dự báo mới nhất cho thấy, năm 2024 Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc thu hút dòng vốn FDI.
Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Thực tế, những ngày cuối 2023 và ngay trong ngày đầu năm mới 2024, nhiều khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đang được khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quỹ đất để sẵn sàng đón các doanh nghiệp lớn.
Tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, thuộc huyện Bình Xuyên hện đã hoàn thiện xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu công nghiệp này đã thu hút được hơn 50 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Theo ông Nguyễn Công Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay quỹ đất sạch dành cho các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang có khoảng 200 - 300ha.
Các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc cần diện tích 23-30 hay 50ha tỉnh đã sẵn sàng quỹ đất sạch. UBND tỉnh và các Sở, ngành sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư làm thủ tục một cách nhanh nhất.
“Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã giải quyết cho nhiều doanh nghiệp cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các giấy phép khác chỉ trong 3-5 ngày”, ông Thắng nói.
Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, TP. Hà Nội sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường.
Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.
Theo các chuyên gia, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả ngắn hạn, dài hạn, là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để thu hút đầu tư, việc đầu tiên làm phải là hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp phải xử lý rất tốt. Hạ tầng công nghiệp là các khu công nghiệp.
“Và nếu cải cách thị trường trong nước càng tốt thì khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Theo logic, nếu mở cửa hội nhập càng tốt, càng thu hút được đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư chất lượng cao vào nhiều sẽ tạo ra áp lực để buộc phải cải cách mạnh hơn nữa", ông Thiên bày tỏ.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng để nắm bắt cơ hội thu hút FDI chất lượng cao, đòi hỏi các Bộ, ngành địa phương cần xúc tiến đầu tư có trọng điểm.
Trong đó, ưu tiên tiếp xúc với các doanh nghiệp có công nghệ mới, hiện đại, thân thiện môi trườn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời phải khắc phục các rào cản để khơi thông làn sóng đầu tư đó.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình đánh giá, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh, nên vấn đề đặt ra cho Việt Nam là cần phải nâng cấp môi trường đầu tư.
Cải thiện cơ sở hạ tầng đã được Việt Nam thực hiện quyết liệt trong những năm vừa qua, nhất là việc đẩy mạnh đầu tư công và huy động sự tham gia rất lớn của khu vực tư nhân, để cải thiện cơ sở hạ tầng.
“Tuy nhiên, Việt Nam cần giảm bớt chi phí về logistic, chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, từ năm 2024, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các lợi thế thay thế càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam trong thu hút dòng vốn FDI.
Nhất là các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố thực sự giúp họ phát triển thuận lợi, nhất là lao động và chuỗi cung ứng trong nước.
Cho nên, trong năm 2024 điều quan trọng là Việt Nam cần nhìn ra các xu hướng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn nước ngoài để từ đó nắm bắt cơ hội, còn nếu bỏ lỡ thì các nhà đầu sẽ chuyển hướng sang những thị trường khác.