Năm 2025: ASEAN - Trung Quốc hợp tác cùng tăng trưởng kinh tế

Các chuyên gia quốc tế dự báo việc Trung Quốc theo đuổi tăng trưởng kinh tế ổn định vào năm 2025 dự kiến sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho nền kinh tế trong nước mà còn cho cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cơ hội liên kết kinh tế

Theo ông Abdul Majid Ahmad Khan, cựu Đại sứ Malaysia tại Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia - Trung Quốc, các biện pháp kích thích nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN. Ông nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế, lưu ý rằng ASEAN sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ của Trung Quốc tăng lên.

Bình luận của ông Majid được đưa ra sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên được tổ chức tại Bắc Kinh vào trung tuần tháng 12, nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vạch ra các ưu tiên kinh tế chính cho năm 2025, gồm: khôi phục tiêu dùng hộ gia đình, thúc đẩy đổi mới, tăng dòng vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, với khối lượng thương mại năm 2023 đạt 911,7 tỷ USD. Thành tựu này đánh dấu năm thứ tư liên tiếp Trung Quốc và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng 44,6% vào năm 2023, đưa tổng đầu tư hai chiều lên hơn 380 tỷ USD.

 Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN tháng 9-2024. Ảnh: People Daily

Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN tháng 9-2024. Ảnh: People Daily

Ông Alexander Chandra ở Ban Thư ký ASEAN cho biết, tăng trưởng kinh tế của ASEAN dự kiến sẽ duy trì ở mức 4,6% trong năm nay và 4,7% vào năm tới - được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước mạnh mẽ và ngành du lịch đang phục hồi. ASEAN vẫn duy trì vị thế là điểm đến đầu tư toàn cầu được ưa chuộng, thể hiện qua con số đáng kinh ngạc 229,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2023, cao nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển, tiếp theo là Trung Quốc.

Tập trung cải thiện chuỗi cung ứng

Trong khi một số nhà quan sát nước ngoài nêu lên mối lo ngại về sự tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc, thì ông Siah Hwee Ang, giáo sư Kinh doanh và Chiến lược Quốc tế tại Đại học Victoria ở Wellington (New Zealand) mô tả đây là sự tiến triển tự nhiên của một nền kinh tế trưởng thành.

Trung Quốc đạt mức tăng trưởng GDP 4,8% trong ba quý đầu năm 2024 và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5%. Ông Siah Hwee Ang cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng trung bình dự kiến của ASEAN là 5,1% trong thập kỷ tới sẽ bổ sung cho quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc, củng cố quan hệ đối tác thương mại giữa hai khu vực.

Tương tự, Giáo sư Gao Fei, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng sự hợp tác về công nghiệp và chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định kinh tế khu vực mà còn đối với khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cả ASEAN và Trung Quốc đều cần cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Bởi, Trung Quốc tiếp tục là nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong năm thứ 14 liên tiếp, trong khi ASEAN có sự bổ sung mạnh mẽ cho giai đoạn sản xuất của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi lợi thế nhân khẩu học và lực lượng lao động có sức cạnh tranh.

Ông Gao Fei nhận định, ASEAN và Trung Quốc nên tìm kiếm sự hài hòa và gắn kết giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

VIỆT ANH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nam-2025-asean-trung-quoc-hop-tac-cung-tang-truong-kinh-te-post774564.html