Năm 2025 bước ngoặt lớn trong tuyển sinh GDNN và GDTX
Ngày 16/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên.

Quang cảnh hội nghị.
Chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian gần đây, hệ thống GDNN, GDTX đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ sở GDTX đã tích cực chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Số lượng học sinh, sinh viên vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao.
Mạng lưới cơ sở GDNN, GDTX được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh DĐ
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra một số tồn tại và khó khăn trong công tác tuyển sinh GDNN, GDTX như: nhận thức của xã hội về GDNN, GDTX chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ. Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp đại học.
Công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo còn có sự chênh lệch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.
Là một trong những địa phương tuyển sinh cho GDNN, GDTX khá lớn, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở GDNN, GDTX ở TP. HCM được chú trọng thực hiện theo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN.
Định kỳ hàng năm, Sở GD&ĐT triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học đến tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Mặc dù vậy, tuyển sinh cho GDNN, GDTX vẫn đối mặt với những khó khăn như, tâm lý người dân vẫn còn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của GDNN, GDTX.
“Đa phần phụ huynh vẫn hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa thực hiện hiệu quả, chưa đi sâu vào nhận thức của xã hội.
Cùng với đó, công tác tuyển sinh còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp”, ông Nam cho biết.
Cần có cơ chế phối hợp

Bà Phan Thị Lệ Thu - Phó HT phụ trách Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM).
Bà Phan Thị Lệ Thu- Phó HT phụ trách Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) cho biết, năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi hệ thống các trường nghề được chuyển về Bộ GD&ĐT quản lý. Việc sáp nhập này giúp thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ phổ thông đến đại học đảm bảo lộ trình học tập, liên thông mạch lạc hơn cho người học; Tạo điều kiện để chương trình đào tạo nghề được thiết kế linh hoạt, tiệm cận chuẩn đầu ra theo hướng học tập suốt đời; Thúc đẩy chuyển đổi số và chuẩn hóa quản lý, nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên.
“Đặc biệt các cơ sở GDNN được tham gia vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT rất thuận lợi”, bà Thu nhấn mạnh.
Từ những thuận lợi đó, bà Thu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét ban hành sớm các văn bản quy định về phạm vi đào tạo của các trường cao đẳng. Đồng thời, có các chính sách mang tầm quốc gia, cấp tỉnh thành để giúp giảm tâm lý phân biệt và nâng tầm nhận thức xã hội về giá trị thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp.
Bà Thu nói thêm, Luật Giáo dục có đề cập đến vấn đề phân luồng, tuy nhiên cần quy định cụ thể tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này có thể linh hoạt theo vùng miền và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động nhưng theo định hướng chỉ tiêu quốc gia.
Xây dựng chính sách truyền thông, ưu đãi đầu tư, cấp học bổng hoặc tín dụng học tập áp dụng cho người học ở cả trường công và trường tư, theo tiêu chí chất lượng – hiệu quả không theo mô hình sở hữu.
Cải thiện các quy trình, thủ tục trợ cấp học phí cho người học; tạo hành lang pháp lý linh hoạt để công nhận kết quả học tập các học phần do doanh nghiệp giảng dạy.
“Tăng cường lồng ghép giáo dục hướng nghiệp vào nhà trường từ lớp 6 trở đi, bảo đảm học sinh hiểu giá trị của nghề nghiệp và lựa chọn lộ trình học tập phù hợp, không bị lệ thuộc vào kỳ vọng của phụ huynh hay định kiến xã hội”, bà Thu nói.

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội
Còn ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Liên quan đến mở ngành mới, chúng tôi đang phải đối mặt với các khó khăn như giáo trình, nhân lực, trang thiết bị. Vì vậy, đề nghị có cơ chế phối hợp với các đơn vị giáo dục cũng như doanh nghiệp để phối hợp đào tạo.
Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì có 18 trường đại học ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều trường cao đẳng nghề cũng có thể đào tạo được ngành công nghiệp bán dẫn vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT xin Chính phủ có bổ sung các trường nghề vào chương trình này.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ với những khó khăn “điểm nghẽn” của các cơ sở GDNN. Vì vậy, các trường cần phải thay đổi từ chính tư duy, nhìn nhận vấn đề, từ đó thay đổi trong cách làm để đạt được nhiều kết quả tốt hơn.
Mỗi trường cần phải nhìn nhận sứ mệnh của mình đó là đào tạo, phát triển con người, mang lại giá trị tốt hơn cho người học; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Khi chúng ta thực hiện tốt sứ mệnh của mình, thì sẽ nâng cao số lượng và chất lượng tuyển sinh.