Năm 2025, ngành Ngân hàng Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển 'tín dụng Xanh'
Chiều ngày 12/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2025.
![Quang cảnh hội nghị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_424_51460784/0fb79ebba9f540ab19e4.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Theo NHNN-ĐT, năm 2024, các ngân hàng trên địa bàn đã cụ thể hóa, triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng như: giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp… Qua đó, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ của các ngân hàng trên địa bàn đối với khách hàng, với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Theo đó, dư nợ tín dụng đến 31/12/2024 đạt 101,12% kế hoạch tín dụng năm 2024 đề ra. Vốn tín dụng tiếp tục tập trung hướng vào các nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo mục tiêu, định hướng của ngành, địa phương, các lĩnh vực trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật là cho vay đối với ngành hàng hoa kiểng, lĩnh vực lúa, gạo và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh, với tỷ lệ tăng lần lượt là 20,28%, 17,43% và 14,64% so với cuối năm 2023…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong năm 2025, ngành Ngân hàng Đồng Tháp đề ra mục tiêu huy động tiền gửi tăng trưởng khoảng 10% - 13%; tín dụng tăng trưởng khoảng 14% - 16%; nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ.
NHNN-ĐT tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh “tín dụng xanh”; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế được tiếp cận vốn vay, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”. Trong đó, tích cực triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg…
![Đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng tham gia ý kiến tại hội nghị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_424_51460784/f3306c3c5b72b22ceb63.jpg)
Đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng tham gia ý kiến tại hội nghị
Ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp các sở, ngành tham mưu tốt nhiệm vụ liên quan cho UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai kết nối ngân hàng và doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
NHNN-ĐT tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống rửa tiền; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đẩy mạnh thông tin, truyền thông các quy định mới ban hành, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân dễ dàng tiếp cận; các giải pháp tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng…