Năm 2025: Tăng tốc và bứt phá, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026-2030

Sáng ngày 8/1/2025, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.

Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024; thảo luận, chỉ rõ những vấn đề hạn chế, bất cập, khó khăn trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nỗ lực và thành quả ấn tượng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động và phục hồi chậm, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, vượt qua nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong năm 2024 đều được hoàn thành, với GDP tăng trưởng 7,09%. Đây là mức tăng trưởng cao trong khu vực, khẳng định vị thế của Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng trên bản đồ kinh tế thế giới.

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, OECD, và ADB đều đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, đặt quốc gia vào nhóm ít nước đạt tăng trưởng cao. Các chỉ số quan trọng như môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, và phát triển con người đều có sự cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đã tạo dấu ấn lớn với các thỏa thuận hợp tác chiến lược. Cùng với đó, doanh nghiệp nội địa cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, với hơn 233.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, vượt xa số doanh nghiệp rút lui. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tạo tiền đề vững chắc cho những mục tiêu cao hơn trong năm 2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi

Tại hội nghị, trình bày Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch KT-XH, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển KT-XH của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2026-2030. Chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".

Phấn đấu tăng trưởng GDP trên 8%

Theo kế hoạch, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, các mục tiêu quan trọng khác cũng được đề ra, bao gồm CPI tăng bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng tín dụng trên 15%, và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 0,8-1%...

Để đạt được các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây được coi là giải pháp đột phá của năm 2025, góp phần tạo nền tảng cho những bước tiến dài hạn.

Cùng với đó, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đề ra với định hướng rõ ràng, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Trong đó, việc thúc đẩy tăng trưởng phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn; triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Tăng cường quản lý thu, chi NSNN hiệu quả hơn, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm NSNN, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng chi cho phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển.

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu); Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới; tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững.

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực từ NSNN, vốn vay trong và ngoài nước, nguồn lực hợp tác công tư và các nguồn hợp pháp khác để đẩy nhanh đầu tư các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đầu tư toàn diện hạ tầng số, hạ tầng nghiên cứu phát triển (R&D), nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia, cáp quang biển. Phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030. Chú trọng phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen; khởi động các dự án điện năng lượng hạt nhân. Nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, trọng tâm là ngoại giao khoa học công nghệ…

Bài Lê Đỗ, Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nam-2025-tang-toc-va-but-pha-tao-tien-de-cho-giai-doan-2026-2030-159701.html