Năm 2030, lũ trẻ của chúng ta thế nào?
Năm 2022 cũng sắp hết rồi, năm 2030 cũng chẳng còn xa nữa, những đứa trẻ của chúng ta hôm nay, 2030 chúng sẽ thế nào? Tôi lấy cột mốc 2030 để nghĩ về thế giới tương lai gần, nơi lũ trẻ hôm nay trở thành chúng ta, những người lớn hôm nay, 2022 này. Chỉ là thế giới năm 2030 khác lắm với thế giới 2022. Vậy, chúng ta đã chuẩn bị gì cho những đứa trẻ của 2030?
Sống ở thế giới 8 tỷ người
Không cần phải đợi đến 2030, ngay hôm 15/11/2022 vừa rồi, thế giới đã cán mốc 8 tỷ người. Thế giới 8 tỷ người khác lắm với thế giới 7 tỷ người năm 2011 và còn khác hơn nữa với thế giới 5 tỷ người năm 1999, khi chúng ta hôm nay còn là những đứa trẻ con. Internet của những năm 1999 là dial-up, năm 2011 là ADSL và hôm nay, 2022 là 4G- 5G. Chúng ta thật sự khó tưởng tượng ra năm 2030, thế giới sẽ thế nào với tốc độ phát triển của công nghệ.
Chào đón thế giới 8 tỷ người giữa những bất an của thế giới ngoài kia như chiến tranh, biến đổi khí hậu, lạm phát, sa thải hàng loạt ở các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Khi mà các nhà dự báo cho biết hàng chục ngành nghề sẽ sớm biến mất do sự thay thế của A.I, robot, máy móc. Thậm chí, những dự báo cho năm 2030 rằng, 85% công việc của bọn trẻ lúc đó vẫn chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại: 2022 này. Hàng loạt những khái niệm làm việc mới ra đời như permalancer (người làm việc lâu dài với một hoặc nhiều tổ chức, có thu nhập ổn định hàng tháng mà không cần dành quá nhiều thời gian ở văn phòng). Bất an giữa thế giới bất định là có thật. Con cái chúng ta là những đứa trẻ của thế giới 8 tỷ dân hôm nay và tới năm 2030 sẽ chẳng còn như chúng ta những năm tháng qua.
Hôm trước tôi có 2 cuộc trò chuyện với 1,200 học sinh trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở Lục Ngạn và 1,600 học sinh trường THPT Tân Yên số 2. Những đứa trẻ sắp tròn 18 tuổi, vài bước nữa là đã phải bước vào cuộc đời, rời khỏi vòng tay của cha mẹ. Các em khiến tôi nhớ lại mình cũng từng như các em, những năm trung học, cuộc đời chỉ loanh quanh trong sân trường, tương lai chỉ là những mơ mộng không tưởng. Nhìn về năm tháng phía trước đôi khi chẳng phải bằng đôi mắt của mình mà đều là đôi mắt của cha mẹ, thầy cô.
Nhiều đứa trẻ hôm nay (và cả chúng ta của hôm qua cũng vậy), nghĩ về việc cần làm sau tuổi 18 chỉ là đỗ đại học, kiếm được một công việc để không phải ngửa tay xin tiền cha mẹ. Thậm chí nhiều đứa trẻ xác định luôn tốt nghiệp xong đi… nghĩa vụ quân sự. Rồi sau đó thế nào tính tiếp. Là bởi chúng chẳng thấy tương lai thế nào. Hoặc tương lai là bố mẹ quyết định, như mọi thứ lúc này, bố bảo tốt thì là tốt, mẹ bảo sai thì thôi không làm. Hay nhiều đứa trẻ thì mơ mộng, như tôi hồi đó, viết được truyện ngắn thì mơ đoạt Nobel Văn học, nghe người ta bảo sang Hàn Quốc học trang điểm kiếm tiền tốt lắm thì học trang điểm. Có vài ví dụ gần nhà, con người bác, cháu ông chú đi buôn điện thoại kiếm ra tiền thì cũng muốn sang Hàn Quốc buôn điện thoại (trong khi hầu hết điện thoại Hàn Quốc đang sản xuất tại Việt Nam).
Tôi đã từng như các em nên tôi không hề trách các em rằng sao không biết nghĩ cho tương lai của mình. Tôi chỉ buồn vì người lớn chúng ta chậm quá khi định hướng nghề nghiệp cho các con. Cứ phải đợi đến khi các con lên cấp 3, thậm chí trước kỳ thi đại học mới vội vàng tổ chức các chương trình hướng nghiệp. Rồi thì mọi thứ các con biết về nghề nghiệp chỉ là mã trường này, khối thi nọ, thậm chí không biết cả việc làm nghề đó là làm gì, ra trường chỉ được đo bằng mức thu nhập thay vì thứ các con muốn trở thành, con người mà các con muốn trở thành. Năm 2030 chỉ còn chưa đầy 8 năm nữa, nhưng lũ trẻ của chúng ta thật sự chưa được chuẩn bị gì.
Những đứa trẻ không biết tương lai của mình sẽ thế nào chẳng trách chúng lạc đường, không tìm ra mục tiêu nên chẳng có lộ trình, chẳng có sự chuẩn bị nào sất. Nên như thế hệ của cha mẹ vậy, nhiều đứa trẻ đỗ đại học nhưng thất nghiệp, chuyển nghề, đi làm những công việc chỉ để kiếm tiền nuôi thân, chẳng có dù chỉ một chút hứng thú, đam mê, mong muốn thay đổi cuộc đời, thay đổi thế giới. Trở thành một con người nhàn nhạt mà vẫn vất vả, bận rộn mà vẫn chẳng trưởng thành nổi, lăn lộn trường đời mà chẳng để lại dấu ấn bản thân. Nhất là ở thời đại 4.0 này, khi máy móc đã thay thế con người, người ta có thể in 3D cả một ngôi nhà đến từ cả miếng thịt bò Kobe danh tiếng thì ai cần sức người nếu chỉ là tay chân?
Bao nhiêu đứa trẻ hôm nay chưa được chúng ta chuẩn bị cho chúng bước vào thế giới 8 tỷ dân, thế giới của cách mạng 4.0, thế giới năm 2030?
Cha mẹ chuẩn bị gì cho con cái năm 2030?
Thế giới năm 2030 là thứ chúng ta không hề biết một cách chính xác nó là thế nào. Nhưng chúng ta vẫn có thể giúp con mình chuẩn bị cho nó. Không phải bằng số tài sản chúng ta đang cố gắng cày cuốc hôm nay. Bao nhiêu tiền bạc để lại cho con cũng sẽ bị chúng tiêu hết. Nếu như cha mẹ biết những đường dây đánh bạc bị triệt phá đường dây nào cũng ngàn tỷ. Bao nhiêu tiền để lại cũng sẽ tiêu tan nếu như con cái của chúng ta không có gì ngoài tiền bạc, tài sản mà cha mẹ để lại.
Tôi nghĩ dạy con Trách Nhiệm mới là thứ giá trị nhất mà một đứa trẻ có thể thành công được ở năm 2030, thậm chí, cả ở những năm sau này, bất chấp thế giới thay đổi ra sao. Trách Nhiệm là thứ giúp mỗi đứa trẻ đứng vững trước những biến động, bất an của thế giới.
Trách Nhiệm với bản thân. Là cha mẹ đừng làm giúp con, đừng sống thay con, đừng dọn đường cho con nữa. Hãy giúp con cái học cách chịu trách nhiệm với bản thân đi. Và bằng cả từ Trách Nhiệm của chúng ta nữa. Con hư là tại cha mẹ, đừng đổ lỗi cho giáo dục hay xã hội.
Năm 2030, như chúng ta thấy, đó là A.I, là công nghệ, là cuộc sống số hóa rồi nên Trách Nhiệm ở đây còn cần thêm một phần nữa: “Trách Nhiệm Số”. Tôi luôn mơ mộng rằng, sẽ sớm thôi, Bộ Giáo Dục Việt Nam đưa “trách nhiệm số” vào chương trình học của bộ môn Giáo dục công dân. Là Giáo dục công dân thời số hóa 4.0. Bởi thế hệ con cái chúng ta, “trách nhiệm số” sẽ là thứ giúp những đứa trẻ của chúng ta sử dụng mạng xã hội, tham gia môi trường Internet một cách an toàn, có trách nhiệm và văn minh hơn thế hệ của chúng ta.
Trách nhiệm số bắt đầu bằng việc mỗi đứa trẻ, mỗi người dùng Internet ở Việt Nam cần phải được học. Như một tấm “bằng lái” cho những ngón tay lướt trên màn hình điện thoại. Là trách nhiệm với không chỉ những gì chúng ta chia sẻ trên môi trường mạng mà còn là trách nhiệm với từng nút like, share, comment nữa. Là thay vì bấm phẫn nộ, hãy chuyển sang nút report với những thông tin xấu độc. Là có trách nhiệm với mỗi thứ mình đọc được trên mạng. Đừng im lặng trước những cái xấu vì sự im lặng của chúng ta cũng là tiếp tay cho cái xấu. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ vì bản thân chúng ta mà còn là vì những đứa trẻ lúc nào đó vô tình đọc phải.
Trách nhiệm số sẽ là để học cách lướt mạng và lọc mạng. Lọc những thông tin xấu độc, loại những fake news, report những bài đăng sai trái, có thể gây nguy hiểm cho người đọc sau mình. Nếu mỗi người đều gắn trách nhiệm bản thân vào công cuộc làm sạch môi trường Internet mình đã đi qua thì tôi tin, lũ trẻ của chúng ta sẽ được an toàn hơn, có được môi trường trong lành hơn và những kẻ xấu sẽ không còn công khai trên mạng nữa.
Là mỗi chúng ta hãy học cách trách nhiệm với chính những gì mình chọn đọc. Block đi những tài khoản tiêu cực, ẩn đi những bài post vô thưởng vô phạt không tạo ra giá trị, từ chối kết bạn với những người ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, cảm xúc của mình. Là chúng ta chỉ chọn đọc những thứ có ích cho bản thân thay vì tự làm mình bội thực trước những tin tức tiêu cực, bạo lực.
Thế hệ con cái chúng ta sẽ sống trong môi trường số có thể còn nhiều hơn thế giới thật. Việc của chúng ta là hãy dọn rác thay vì vứt rác bừa bãi khiến con cái chúng ta phải hứng chịu. Là giúp con cái mình có một môi trường mạng lành mạnh hơn. Và giúp chúng sống có trách nhiệm ngay cả khi sống trên mạng. Để những đứa trẻ trách nhiệm thành một giá trị của chúng chứ không chỉ là tính cách tốt. Tôi vẫn tin rằng một đứa trẻ có trách nhiệm thì dù trên mạng hay ngoài đời chúng cũng cần được truyền dạy bởi chính chúng ta, trách nhiệm của người cha, người mẹ. Cha mẹ sống có trách nhiệm thì con cái sẽ sống có trách nhiệm.
Tôi mơ mộng vậy!!!
Khép để mở
Năm 2022 chỉ còn hơn 30 ngày nữa là khép lại. Năm 2030 tưởng rất xa nhưng cũng chỉ ngoảnh đi ngoảnh lại là tới rồi. Những đứa trẻ của chúng ta hôm nay sẽ là chủ nhân của thế giới 2030, chúng sẽ tạo ra thế giới ấy và chúng ta sẽ được thụ hưởng (hay chịu hậu quả) là tùy ở chính chúng ta hôm nay chuẩn bị gì cho chúng. Bằng chính những hành động ngay và luôn của chúng ta lúc này vậy!