Nắm bắt cơ hội làm thêm trong kỳ nghỉ Hè
Trong kỳ nghỉ Hè, nhiều sinh viên đối diện với quyết định giữa việc về quê và ở lại thành phố. Nhưng đây là một cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên phát triển kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm thông qua các công việc thực tập, freelance hoặc làm thêm.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, Diệp Mỹ Duyên (chuyên ngành Ngôn ngữ Trung, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho biết, “Hè này, mình làm gia sư tiếng Trung, thông qua việc dạy giao tiếp giữa mình và các học viên rất nhiều nên dần dần kỹ năng giao tiếp của mình cũng ngày càng nâng cao”. Ngoài ra, mức thu nhập nhờ làm thêm cũng đủ giúp Mỹ Duyên trang trải và có thêm tiền chi tiêu cho bản thân.
Trên thực tế, việc tham gia các hoạt động này không chỉ giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập mà còn giúp các bạn sinh viên có thêm những mối quan hệ mới, gặp gỡ làm việc với các chuyên gia trong ngành xây dựng mạng lưới xã hội có giá trị, rèn luyện và cải thiện nhiều kỹ năng thực tế cần thiết cho sự nghiệp tương lai.
Nguyễn Trần Thanh Ngân (trường ĐH Nông Lâm TP. HCM) hiện làm pha chế tại một quán cà phê tiết lộ: “Những lúc rảnh, mình sẽ đăng ký làm, nếu chăm chỉ thì một tháng mình có thể kiếm được 3 - 4 triệu đồng”.
Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên đều đi làm với mục đích kiếm tiền trang trải việc học. Nhiều bạn sinh viên xem công việc bán thời gian là cách giúp họ nâng cao kỹ năng làm việc trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. H Loan Bkrông (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Hè, mình ở lại TP. HCM và đi thực tập sớm. Điều này giúp mình xác định được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân có phù hợp với công việc này hay không, nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích của mình không. Việc các bạn trẻ trở nên độc lập hơn cũng là một đòi hỏi cần thiết để tạo bước đệm cho tương lai sau này".
Việc ở lại thành phố để học thêm, làm việc trong kỳ nghỉ Hè là một quyết định của nhiều bạn sinh viên. Tận dụng thời gian rảnh rỗi để học tập và tích lũy kinh nghiệm giúp sinh viên phát triển kỹ năng, chuẩn bị cho tương lai mở rộng cơ hội việc làm.
"Nếu sợ thì đừng làm, nếu làm thì đừng sợ" là câu nói tâm đắc nhất của Mỹ Duyên mỗi khi quyết định một việc gì để nhắc nhở bản thân không để sự sợ hãi làm mất đi cơ hội và tiềm năng của mình. "Chúng ta nên kiên định và tự tin, để chinh phục những giấc mơ và mục tiêu cao cả", Mỹ Duyên nói.
Thiên An (học viên mới tốt nghiệp ngành Quản trị Nhà hàng, khách sạn, trường Trung cấp Kinh tế Du lịch TP. HCM) cho biết, công việc hiện tại của cô là phục vụ cho một nhà hàng nhưng ở một vị trí khá mới mẻ là “storyteller” – người kể chuyện về món ăn. Công việc này giúp thực khách trải nghiệm ẩm thực được nâng tầm và “đắt tiền” hơn. Ngoài làm chính công việc này, cô cũng nhận làm thêm các công việc liên quan để có thể nâng cao các tay nghề.
Bà Đặng Thị Hoàng Hà (đại diện trường Hướng nghiệp Á Âu, TP. HCM) chia sẻ: “Có rất nhiều dự báo về năng lực lao động cần có, nhưng nhìn lại đều có sự cân bằng giữa các yếu tố ASK (Thái độ - Kỹ năng - Kiến thức). ASK là một tam giác đều chứ không lệch hẳn về Skill - Kỹ năng như nhiều người phỏng đoán. Thái độ làm việc và kiến thức vẫn cần được chú trọng, dù cho bạn làm việc ở lĩnh vực nào đi nữa”.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-bat-co-hoi-lam-them-trong-ky-nghi-he-post1556872.tpo