Năm Bảy Bảy (NBB) lợi nhuận giảm 94%, vừa bị nhắc nhở do phát sinh giao dịch 'chui' với đối tác
Lợi nhuận 2022 giảm sâu, dòng tiền âm gần 1.000 tỷ, Năm Bảy Bảy (NBB) lại vừa bị gọi tên do không công bố giao dịch với đơn vị liên quan. (Ảnh TL)
Năm Bảy Bảy (NBB) giao dịch với bên liên quan nhưng chậm công bố, bị HoSE nhắc nhở
Vừa phải chứng kiến năm 2022 kinh doanh bết bát, lợi nhuận sau thuế bốc hơi mất 94,3% so với năm 2021, mới đây CTCP Năm Bảy Bảy lại tiếp tục bị nhắc nhở do phát sinh giao dịch "chui" với đối tác.
Cụ thể thì trước đây, vào ngày 21/3/2023, Năm Bảy Bảy đã thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư cùng Công ty GNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm. Đây là một đơn vị có liên quan đến Công ty CII, trong khi CII lại sở hữu 37,52% và trên BCTC tính tới hết nă 2022 vẫn ghi nhận đây là khoản đầu tư vào Công ty liên kết.
Theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thì “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện như Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua hợp đồng, giao dịch giữa Công ty với người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ hoặc người có liên quan của Công ty đại chúng”.
Mãi tới 7/4/2023 vừa qua, Năm Bảy Bảy mới gửi công văn tới cho HoSE, do đó việc thông báo về giao dịch của Năm Bảy Bảy với đối tác có thể coi là vô cùng chậm trễ.
Năm Bảy Bảy huy động thêm 751,2 tỷ đồng từ cổ đông, không trả cổ tức năm 2022
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2023 tới đây thì công ty dự kiến đặt kế hoạch doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 71,7% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức 20,5 tỷ đồng, dù không cao nhưng cũng đã tăng gấp gần 2,5 lần so với thực hiện năm ngoái.
Về cơ bản, mục tiêu năm 2023 tăng đáng kể so với kết quả thực hiện được trong năm 2022. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng trong năm 2022, Năm Bảy Bảy kinh doanh vô cùng bết bát, lợi nhuận sau thuế "bốc hơi" mất một phần không nhỏ.
Trong năm 2022, doanh thu ghi nhận ở mức 466,4 tỷ đồng, giảm 17,5%. Giá vốn hàng bán chiếm 239,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mang về 227 tỷ đồng, giảm 11,1%.
Điều đáng nói đó là trong năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính giảm 65,2% xuống chỉ còn 151,4 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại đội lên rất cao, từ 165,9 tỷ đồng tăng lên 266,2 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 60,5%. Chi phí lãi vay cũng tăng từ 99,3 tỷ đồng lên 168,6 tỷ đồng gây áp lực lớn lên lợi nhuận của công ty.
Tác động thấy rõ nhất đó là lợi nhuận sau thuế của công ty đã giảm mạnh, chỉ ghi nhận ở mức 17,7 tỷ đồng, giảm tới 94,3% so với mức đạt được trong năm 2021.
Với tình hình kinh doanh bết bát như năm 2022, không quá khó hiểu khi Năm Bảy Bảy đã dự kiến không chi trả cổ tức cho năm 2023, đồng thời cũng chủ trương hủy luôn phương án chi trả cổ tức 15% cho năm 2022 với lý do công ty gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và huy động vốn.
Dù hủy phương án chi trả cổ tức nhưng Năm Bảy Bảy lại tiếp tục huy động vốn bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ lên tới 50%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền mua cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu NBB trên thị trường đã nhiều tháng nay chưa chạm được tới ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 13/4/2023, cổ phiếu NBB đang có mức giá 13.850 đồng/cổ phiếu.
Tăng cường vay nợ, dòng tiền kinh doanh âm tới 953,6 tỷ đồng
Trong cơ cấu tài sản năm 2022 của Năm Bảy Bảy, tổng tài sản đạt 6.401,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, phần tài sản tăng thêm chủ yếu đến từ ghi nhận trong nợ phải trả, tăng từ 2.543,5 tỷ đồng lên mức 4.570,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 79,7% chỉ trong 1 năm.
Tỷ lệ nợ của NBB trong cơ cấu tài sản ngày càng phình to, chủ yếu đến từ chỉ tiêu tài chính về vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng từ 350 tỷ đồng lên mức 2.158,2 tỷ đồng, tương ứng với việc nợ vay dài hạn đã tăng tới 1.808,2 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Đây chủ yếu là các khoản vay tại Ngân hàng với khoản nợ vay lớn nhất nằm tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, lên tới 567,2 tỷ đồng. Ngoài ra, NBB còn đang vay dài hạn của 3 đơn vị khác với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng bao gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh địa ốc Lữ Gia với 400 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội với 400 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Hạ tầng CII với 350 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý khác trên báo cáo tài chính của NBB đó là ghi nhận về lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 âm tới 953,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng âm 103,2 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng Năm Bảy Bảy đang thu không đủ bù chi và thiếu hụt nguồn tiền rất lớn để duy trì hoạt động kinh doanh. Như vậy thì cũng không quá khó hiểu khi cơ cấu nợ vay của đơn vị này đang ngày càng phình to, đồng nghĩa với rủi ro trong cơ cấu nguồn vốn cũng ngày càng gia tăng.