Nam bệnh nhân nguy kịch vì xuất huyết tiêu hóa và cách phát hiện bệnh sớm
Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu tiêu hóa) là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, nếu không can thiệp kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.
Bệnh nhân nguy kịch vì chảy máu tiêu hóa
Một bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh đã được cứu sống nhờ phối hợp phẫu thuật và nội soi ruột non trong mổ, sau khi rơi vào tình trạng xuất huyết tiêu hóa nghi do tổn thương tại vùng "bóng tối" của đường ruột.
Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân T.T. (53 tuổi, ngụ phường Bình Thới) trong tình trạng đi cầu phân đen kéo dài, thiếu máu nặng, thể trạng suy kiệt. Bệnh nhân có tiền sử phức tạp, từng phẫu thuật áp xe não, tai biến mạch máu não và đang sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
Dù được nội soi dạ dày và đại tràng, nguồn chảy máu vẫn không được xác định. Trong những ngày tiếp theo, chỉ số hemoglobin tiếp tục giảm sâu – từ 6,8 xuống còn 5,6 g/dL – làm dấy lên nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa từ ruột non, khu vực vốn khó tiếp cận bằng các kỹ thuật thông thường.
Trước nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng, một cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa các chuyên khoa Nội tiêu hóa, Nội soi tiêu hóa, Ngoại tổng quát, Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh đã được triển khai. Các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật kết hợp với nội soi ruột non trong mổ (intraoperative enteroscopy – IOE), nhằm tăng khả năng định vị chính xác tổn thương đang chảy máu.

Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu tiêu hóa) là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện đoạn ruột non dài khoảng 5cm có ổ loét rộng, đáy mỏng và đang rỉ máu nằm cách góc hồi manh tràng 60cm. Tổn thương được cắt bỏ và tái lập lưu thông tiêu hóa. Sau phẫu thuật 48 giờ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, không còn đau bụng và chỉ số huyết sắc tố phục hồi rõ rệt (8,8 g/dL).Cách phát hiện sớm chảy máu tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa hay còn được gọi là chảy máu tiêu hóa, thường là hệ quả của các bệnh có liên quan đến hệ thống tiêu hóa không được kiểm soát. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa mà tình trạng xuất huyết xảy ra ở mức độ từ nhẹ đến nặng hay cũng có thể gây sốc. Căn cứ vào vị trí xuất huyết ở trong ống tiêu hóa mà tình trạng này được chia thành 2 dạng:
Xuất huyết tiêu hóa trên: Biểu hiện thường thấy là: Nôn ra máu. Đi ngoài phân đen, bệnh nhân có biểu hiện mất máu như: Chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi; Hoa mắt, da xanh xao, tim đập nhanh, tụt huyết áp; Vật vã, lơ mơ, có thể hôn mê do sốc mất máu.
Xuất huyết tiêu hóa dưới: Khi có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa dưới, bệnh nhân có các biểu hiện đi ngoài ra máu đỏ tươi, phân lẫn máu hoặc có máu ra sau phân. Đi ngoài phân đen, nếu máu chảy từ đường tiêu hóa dưới nhưng lưu lại lâu trong ruột, phân có thể có màu đen hoặc lẫn máu. Bệnh nhân có dấu hiệu mất máu như: mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, mạch nhanh, tụt huyết áp, vật vã, lơ mơ, có thể hôn mê nếu mất máu quá nhiều.
Khi nghi ngờ bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần lưu ý gì?
Khi phát hiện các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa xảy ra, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, ngừng sử dụng một số loại thuốc Tây y có thể khiến cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng. Thường gặp nhất là các thuốc sau:
Các loại thuốc làm loãng máu, điển hình nhất là Warfarin. Loại thuốc này có thể làm gián đoạn quá trình đông máu tự nhiên. Từ đó làm tăng nguy cơ xuất huyết hay khiến tình trạng xuất huyết tiêu hóa trở nên nghiêm trọng.
Nhóm Ibuprofen và các loại NSAID khác- nhóm thuốc này có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở rất nhiều người bệnh. Do đó, nếu thường xuyên dùng các loại thuốc này, thì bạn nên cân nhắc ngừng thuốc hay trao đổi với bác sĩ về vấn đề thay đổi loại thuốc.
Aspirin: Có thể khiến cho quá trình lưu thông tiểu cầu bị gián đoạn. Đồng thời khiến các tình trạng xuất huyết nghiêm trọng thêm. Do đó, cần ngừng sử dụng thuốc cho tới khi các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Lưu ý chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa
Ngoài việc làm theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần:
Dành thời gian nghỉ ngơi ở nơi có không gian yên tĩnh. Cần nằm ở tư thế ngửa, giữ thẳng lưng ở trên giường phẳng. Chú ý không kê gối trên đầu.
Có thể dùng khăn ấm chườm lên bụng để giảm đau do triệu chứng của bệnh hay phẫu thuật gây ra.
Khi vết thương đã bắt đầu ổn định nên đi lại nhẹ nhàng để cơ thể được thoải mái và thư giãn.
Tuyệt đối không vận động mạnh hay di chuyển nhiều.
Giữ cho tinh thần thư giãn thoải mái, tránh xa áp lực, căng thẳng hay suy nghĩ tiêu cực. Có thể tìm đến các giải pháp như nghe nhạc, đọc sách báo hay trò chuyện cùng người thân.
Ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh hầm nhừ và có thể uống sữa. Chỉ nên ăn với lượng thức ăn ít, tránh để bụng quá đói hay quá no.