Nam bộ kháng chiến - bản tráng ca bất hủ

Ngày 23/9/1945, Xứ ủy Nam kỳ hừng hực khí thế lãnh đạo nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là mốc son lịch sử vẻ vang, oanh liệt mà các thế hệ cháu, con còn mãi tự hào.

Với dã tâm trở lại xâm lược nước ta, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Hội nghị phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh và quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ - Trần Văn Giàu kêu gọi: “Hỡi đồng bào! Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên, tiến ra mặt trận, quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt: Nam bộ kháng chiến.

Ngay trong chiều ngày 23/9/1945, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đêm 23/9, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Tất cả đồ vật như bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được huy động khuân ra đường dựng lên các chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Ngày 26/9/1945, Bác Hồ gửi thư động viên đồng bào Nam bộ và khẳng định quyết tâm kháng chiến. Người nhấn mạnh: “...Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.

Đáp lại lời kêu gọi của Người, trong hơn 4 tháng anh dũng đánh địch (từ ngày 23/9/1945 đến 09/02/1946), quân, dân Nam bộ đã tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch, thu nhiều súng đạn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Chỉ với gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân Nam bộ đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân, dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc.

Ghi nhận, biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân, dân Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu: “Thành đồng Tổ quốc”.

78 năm trôi qua nhưng tinh thần Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng mãi. Đây là bản tráng ca bất hủ của dân tộc, động lực to lớn cổ vũ mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng./.

Nguyễn Thanh Hoàng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nam-bo-khang-chien-ban-trang-ca-bat-hu-a163355.html