Nám da có trị hết hẳn được không?
Nám da là tình trạng da liễu phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Nám da gây ra các mảng da sẫm màu, thường xuất hiện ở mặt, trán... Có thể điều trị nám hết hẳn hay không còn tùy vào tình trạng nám khác nhau cũng như phương pháp điều trị.
1. Điều trị nám da hiệu quả phụ thuộc vào yếu tố nào?
Nội dung
1. Điều trị nám da hiệu quả phụ thuộc vào yếu tố nào?
2. Các phương pháp điều trị nám da phổ biến hiện nay
3. Chăm sóc da tại nhà đúng cách
Việc điều trị nám da có thể mang lại hiệu quả làm mờ hoặc loại bỏ hết các vết nám. Khả năng điều trị hết hẳn nám hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Nguyên nhân gây nám da: Nám da có thể do nhiều nguyên nhân như thay đổi nội tiết tố (phụ nữ mang thai, uống thuốc tránh thai), di truyền, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, căng thẳng, hoặc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp. Theo đó, nám do các yếu tố bên ngoài thường dễ điều trị hơn nám do yếu tố nội tại (di truyền).
- Loại nám: Nám được phân loại thành nám nông (biểu bì), nám sâu (trung bì) và nám hỗn hợp. Nám nông thường dễ điều trị hơn nám sâu.
- Thời gian bị nám: Nám mới xuất hiện thường dễ điều trị hơn nám lâu năm, khi chân nám đã ăn sâu vào da.
- Phương pháp điều trị: Có nhiều phương pháp điều trị nám khác nhau, từ các sản phẩm bôi ngoài da, thuốc uống, đến các liệu pháp công nghệ cao như laser, peel da hóa học, siêu mài mòn da. Hiệu quả của từng phương pháp tùy thuộc vào tình trạng nám và cơ địa của mỗi người.
- Sự kiên trì và tuân thủ điều trị: Việc điều trị nám đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
- Chăm sóc da sau điều trị: Việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và chăm sóc da đúng cách sau điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hiệu quả và ngăn ngừa nám tái phát.
- Cơ địa mỗi người: Phản ứng của da với các phương pháp điều trị khác nhau ở mỗi người là khác nhau.

Nám da thường gặp ở phụ nữ ngoài 30 tuổi.
2. Các phương pháp điều trị nám da phổ biến hiện nay
2.1. Các thuốc bôi trị nám da
Thường chứa các thành phần có tác dụng làm sáng da, ức chế sản xuất melanin (sắc tố gây nám da) và tăng cường tái tạo tế bào da. Một số nhóm thuốc bôi trị nám phổ biến gồm:
- Hydroquinone: Đây là một trong những thành phần làm trắng da mạnh mẽ và được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị nám, đặc biệt là nám nông (biểu bì). Hydroquinone hoạt động bằng cách ức chế enzyme tyrosinase, một enzyme quan trọng trong quá trình sản xuất melanin. Nồng độ thường dùng từ 2% đến 5%, thường được bôi một lần mỗi ngày.
Thuốc có thể gây kích ứng da, đỏ, bong tróc. Sử dụng kéo dài hoặc nồng độ cao có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn khiến da bị sẫm màu vĩnh viễn.
Hydroquinone là thuốc kê đơn, cần có chỉ định của bác sĩ da liễu trước khi sử dụng.
- Tretinoin và các retinoid khác: Tretinoin là một dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng tăng cường tái tạo tế bào da, loại bỏ các tế bào da chết chứa melanin, giúp làm sáng da và cải thiện sắc tố. Các retinoid khác như adapalene, tazarotene cũng có tác dụng tương tự nhưng có thể ít gây kích ứng hơn. Thuốc được chỉ định bôi vào buổi tối.
Thuốc có thể gây khô da, kích ứng, đỏ, bong tróc và làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Cần sử dụng kem chống nắng đầy đủ khi dùng retinoids.
Là thuốc kê đơn nên chỉ dùng theo sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.
- Corticosteroid bôi: Thường sử dụng loại nhẹ hoặc trung bình, thuốc đôi khi được sử dụng trong các công thức kết hợp để giảm viêm và kích ứng do các thành phần làm trắng khác gây ra.
Corticosteroid không phải là thành phần chính để điều trị nám da mà thường được kết hợp với một số hoạt chất khác để tăng cường hiệu quả điều trị. Thuốc không sử dụng đơn độc hoặc kéo dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ như mỏng da, giãn mạch máu, nổi mụn trứng cá đỏ.
- Acid azelaic: Là một acid dicarboxylic có tác dụng ức chế sản xuất melanin và có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn. Thường được sử dụng với nồng độ 15% - 20%.
Thuốc ít gây kích ứng hơn hydroquinone và retinoids, có thể sử dụng cho da nhạy cảm. Phụ nữ có thai nếu muốn trị nám da cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Acid kojic: Là một chất làm trắng da tự nhiên, có nguồn gốc từ nấm. Hoạt chất này hoạt động bằng cách ức chế enzyme tyrosinase. Acid kojic thường có trong các sản phẩm không kê đơn, nồng độ thường thấp hơn hydroquinone.
Mặc dù vậy vẫn có thể gây kích ứng da ở một số người, đặc biệt là với làn da nhạy cảm.
- Vitamin C (ascorbic acid) và các dẫn xuất: Là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể giúp làm sáng da, giảm sắc tố và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Có nhiều dạng dẫn xuất ổn định hơn của vitamin C được sử dụng trong mỹ phẩm.
Vitamin C thường an toàn và ít gây kích ứng hơn các sản phẩm khác.
- Niacinamide (vitamin B3): Có nhiều lợi ích cho da, bao gồm khả năng làm sáng da, cải thiện sắc tố, giảm viêm và tăng cường hàng rào bảo vệ da.
Thuốc an toàn và dung nạp tốt.
- Acid tranexamic bôi: Là một hoạt chất thường được dùng đường uống hoặc tiêm để điều trị nám. Gần đây, các sản phẩm bôi chứa tranexamic acid cũng cho thấy hiệu quả trong việc làm mờ nám.
Acid tranexamic bôi cũng hoạt động bằng cách ức chế plasmin, một chất trung gian trong quá trình sản xuất melanin.
- Cysteamine: Là một chất chống oxy hóa tự nhiên, gần đây được nghiên cứu và cho thấy hiệu quả trong điều trị nám. Nhưng có thể có mùi khó chịu, nên vẫn chưa được ưa sử dụng.
Lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc bôi trị nám:
Trước khi dùng bất kỳ thuốc bôi nào để điều trị nám da, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu, đặc biệt là các thuốc kê đơn như hydroquinone và tretinoin. Khi đã có chỉ định thì phải sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.
Bắt đầu bôi thuốc với nồng độ thấp và tần suất ít để kiểm tra phản ứng của da. Sau đó mới tăng nồng độ cho phép đạt hiệu quả điều trị
Điều trị nám không mang lại hiệu quả ngay, do đó kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài để thấy được hiệu quả.
Sử dụng kem chống nắng phổ rộng (SPF 30 trở lên) hàng ngày để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Đây là yếu tố then chốt trong điều trị và ngăn ngừa nám tái phát.
Theo dõi các tác dụng phụ và báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Tránh sử dụng đồng thời nhiều sản phẩm có hoạt tính mạnh để tránh gây kích ứng da.
Việc lựa chọn thuốc bôi trị nám phù hợp phụ thuộc vào loại nám, mức độ nám, tình trạng da và cơ địa của mỗi người. Bác sĩ da liễu sẽ giúp bạn đưa ra phác đồ điều trị tối ưu và an toàn nhất.
2.2. Các thuốc uống trị nám da
Thường chứa các thành phần có tác dụng làm sáng da, giảm sản xuất melanin và chống oxy hóa:
- Acid tranexamic: Đây là một hoạt chất được sử dụng phổ biến trong điều trị nám, có tác dụng ức chế plasmin, từ đó giảm sản xuất melanin. Acid tranexamic có thể dùng đường uống hoặc tiêm.
- L-Cysteine: Một loại acid amino có khả năng tăng cường sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp làm sáng da và giảm sắc tố melanin.
- Glutathione: Là một tripeptide nội sinh có khả năng chống oxy hóa mạnh, tham gia vào quá trình khử độc và ức chế sản xuất melanin, giúp làm trắng da và giảm nám.
- Vitamin C: Một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ da khỏi tác hại của gốc tự do, làm sáng da và có thể hỗ trợ giảm nám khi kết hợp với các thành phần khác.
- Vitamin E: Một chất chống oxy hóa khác, có thể giúp bảo vệ tế bào da và cải thiện tình trạng da.
- Niacinamide: Có khả năng làm sáng da, cải thiện sắc tố và giảm viêm...
Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc uống điều trị nám da:
Việc sử dụng thuốc uống trị nám cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân, đánh giá tình trạng nám và sức khỏe tổng thể rồi mới đưa ra liệu trình phù hợp. Nếu tự ý mua và sử dụng thuốc uống trị nám có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiệu quả của thuốc uống trị nám có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng nám của mỗi người.
Thuốc uống trị nám thường được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như bôi ngoài da và liệu pháp công nghệ cao để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và ngăn ngừa nám tái phát.
2.3. Các biện pháp điều trị khác
Ngoài thuốc bôi và uống, còn có các liệu pháp công nghệ cao điều trị nám, gồm
Laser nhằm phá vỡ các sắc tố melanin.
Peel da hóa học nhằm loại bỏ lớp tế bào da chết chứa sắc tố.
Siêu mài mòn da để tẩy tế bào chết cơ học.
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp sử dụng ánh sáng xung cường độ cao để điều trị nám.
Nám có thể được điều trị để mờ đi đáng kể hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị hết hẳn hoàn toàn là khó khăn và không phải lúc nào cũng đạt được, đặc biệt là với nám sâu và nám lâu năm. Nguy cơ tái phát nám sau điều trị là hoàn toàn có thể, đặc biệt là khi không có biện pháp duy trì và bảo vệ da đúng cách.
Để có phương pháp điều trị nám hiệu quả và an toàn nhất, nên tìm đến bác sĩ da liễu để được thăm khám, chẩn đoán chính xác loại nám và tư vấn liệu trình điều trị phù hợp với tình trạng da của bạn. Bác sĩ cũng sẽ đưa ra những lời khuyên về chăm sóc da để ngăn ngừa nám tái phát.

Thoa kem dưỡng da đầy đủ giúp làn da khỏe đẹp.
3. Chăm sóc da tại nhà đúng cách
Nám da có điều trị hết hoàn toàn được không còn phụ thuộc khá nhiều vào cách chăm sóc da tại nhà sau điều trị. Theo đó cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
Bôi kem chống nắng mỗi ngày: Một trong những nguyên nhân hàng đầu làm cho nám ngày càng nghiêm trọng và dễ tái phát trở lại chính là để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ.
Với cơ chế tự bảo vệ, khi da tiếp xúc với tia UV, cơ thể sẽ phóng thích tyrosinase, kích thích sản sinh ra melanin tạo màng chắn giúp bảo vệ và hạn chế tác động tiêu cực của tia cực tím lên da.
Nếu thời gian da tiếp xúc với tia UV càng lâu, hắc sắc tố càng được sản sinh ra nhiều. Lâu dài sẽ tích tụ lại và đẩy lên bề mặt da hình thành nám. Vì thế bôi kem chống nắng là bước quan trọng trong chu trình chăm sóc da mỗi ngày cần thực hiện.
Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa trước 30 phút và kết hợp thêm mũ, áo khoác, khẩu trang… khi ra đường.
Vệ sinh sạch da vào mỗi sáng và tối: Với không khí môi trường xung quanh ngày càng ô nhiễm, làn da sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực như khói, bụi,… một cách thường xuyên. Chính vì thế vệ sinh da đều đặn vào mỗi sáng và tối sẽ giúp da thông thoáng và khỏe khắn hơn. Điều này hỗ trợ cực kỳ tốt cho suốt quá trình điều trị.
Nên chọn các sản phẩm vệ sinh da như nước tẩy trang, sữa rửa mặt loại dịu nhẹ, tránh làm tổn thương da. Tốt nhất nên tham khảo từ bác sĩ da liễu để được hướng dẫn lựa chọn sản phẩm rửa mặt phù hợp.
Dưỡng ẩm đầy đủ cho da: Nếu làn da không cung cấp đủ độ ẩm sẽ bị khô ráp, sần sùi, xỉn màu và chảy xệ, kém tươi tắn. Để khắc phục tình trạng đó nên cố gắng bổ sung đủ ẩm cho da, điều này sẽ giúp kích thích sản sinh tế bào mới, da sẽ trở nên khỏe mạnh, săn chắc và mịn màng hơn.
Bên cạnh sử dụng các loại serum và kem dưỡng ẩm uy tín có nguồn gốc rõ ràng, nên uống đủ nước mỗi ngày. Nước vừa giúp quá trình đào thải độc tố trong cơ thể vừa giúp vận chuyển dễ dàng các dưỡng chất, giúp nuôi dưỡng và phục hồi làn da khỏe đẹp từ bên trong.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-da-co-tri-het-han-duoc-khong-169250415131200563.htm