Nam Đàn dồn sức phát triển du lịch văn hóa

Với mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch đúng dịp Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đang bước vào giai đoạn nước rút để về đích.

Chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là điểm đến hấp dẫn du khách. (Ảnh KHIẾU MINH)

Chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là điểm đến hấp dẫn du khách. (Ảnh KHIẾU MINH)

Được xác định là điểm đến hấp dẫn, trung tâm du lịch văn hóa của tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn đang trong năm cuối của quá trình thực hiện đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025. Sau sáu năm thực hiện, huyện đã đạt 40/42 nội dung tiêu chí của huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Cuối năm 2024, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó thị trấn Nam Đàn đạt chuẩn đô thị văn minh, 15/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm nay, các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải hoàn thành.

Điểm nhấn trong thực hiện đề án này, đối với Nam Đàn, là hình thành các sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đây là những nhiệm vụ cụ thể được đề ra trong đề án. Sở hữu bốn di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế và di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hoành Sơn cùng hệ thống di tích văn hóa-lịch sử và văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, nhiều năm qua, du lịch của Nam Đàn tạo dựng được thương hiệu điểm đến trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh của hệ thống di tích lịch sử và các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Những địa danh nổi tiếng như làng Sen, Khu di tích Kim Liên; lễ hội Đền Vua Mai, lễ hội làng Sen cùng các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi thu hút đông đảo du khách mọi miền.

Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Nam Đàn mở rộng không gian du lịch, đẩy mạnh mô hình nông trại gắn với du lịch, hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái và một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Hướng đi mới góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, đồng thời quảng bá vùng đất, con người và văn hóa vùng Nam Đàn.

Song song việc tạo dựng thương hiệu điểm đến, huyện chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông tạo đà cho du lịch phát triển; ưu tiên các tuyến đường, dự án trọng điểm gắn kết các địa danh du lịch như khu lăng mộ Vua Mai, quê nội, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được quan tâm bảo tồn, tu bổ, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch và phục vụ du khách. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn, di tích đình Nhà Thánh xã Khánh Sơn, Di tích đình Đông Viên xã Trung Phúc Cường... là những hạng mục đã và đang được chỉnh trang, tôn tạo.

Đối với Nam Đàn, cải tạo, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã; chú trọng nâng cấp trang thiết bị hệ thống nhà văn hóa xã và nhà văn hóa xóm, khối. Đây vừa là tiêu chí trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch, vừa thực hiện chỉ thị quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, thôn, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sau sáp nhập, từ 336 xóm, khối xuống còn 176 xóm, khối, huyện Nam Đàn đứng trước thực trạng thừa-thiếu nhà văn hóa. Huyện đã rà soát, linh hoạt sắp xếp, điều chuyển, bố trí, tái sử dụng các trụ sở, nhà văn hóa đồng thời huy động nguồn lực xây mới các công trình trung tâm. Đến nay, các thiết chế văn hóa, thể thao huyện, xã cơ bản đã được xây dựng đồng bộ đạt chuẩn, đáp ứng các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và cộng đồng các tổ dân cư.

Hệ thống thông tin truyền thông, phủ sóng internet đến toàn bộ người dân. Từ lợi thế là cái nôi của làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, phong trào dân ca ví, giặm ở đây phát triển mạnh mẽ. Mỗi xã đều hình thành các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, tạo dựng hoạt động văn hóa quần chúng sôi nổi và môi trường văn hóa gắn kết, thúc đẩy và cải thiện đời sống tinh thần của người dân. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các xã, xóm đã tạo sinh khí cho vùng nông thôn mới.

Trao đổi về các công việc để hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện Vương Hồng Thái cho biết: Nam Đàn đang tập trung phát triển xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Hiện nay, huyện tập trung xây dựng thiết chế văn hóa ở xóm, khối đạt chuẩn quy định, diện tích ít nhất hai nghìn mét, kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Huyện có chính sách hỗ trợ một tỷ đồng đối với mỗi nhà văn hóa xóm được xây dựng mới; kinh phí đối ứng được người dân, doanh nghiệp chung tay ủng hộ... Đến nay, Nam Đàn đã xây dựng mới 56 nhà văn hóa xóm, vốn đầu tư từ năm đến chín tỷ đồng. Thời gian tới, huyện phấn đấu hoàn thiện các thiết chế này đạt chuẩn, đồng thời tiếp tục trang bị dụng cụ thể thao ngoài trời, thành lập các câu lạc bộ thể thao phục vụ người dân.

Thời gian thực hiện đề án thí điểm không còn nhiều, Nam Đàn đang nỗ lực nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới, vừa khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Nhưng hiển thị rõ nét nhất từ đề án này là du lịch của Nam Đàn khởi sắc, tạo những dấu ấn riêng, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương và chung tay bảo lưu, gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử của vùng đất cách mạng.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-dan-don-suc-phat-trien-du-lich-van-hoa-post861222.html