Nam diễn viên 26 tuổi Thái Lan đột tử trong lúc đang ngủ say: Nếu thuộc những nhóm người này bạn cũng nên cẩn thận

Trường hợp của nam diễn viên cũng giống như một lời cảnh báo tất cả chúng ta về những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra khi đang ngủ say.

Tối ngày 23/3, làng giải trí Thái Lan bàng hoàng trước thông tin nam diễn viên nổi tiếng Beam Papangkorn Lerkchaleampote qua đời tại nhà riêng, hưởng dương 26 tuổi. Trang Khaosod cho biết, Beam chìm vào trạng thái ngủ sâu, người nhà cố gọi dậy nhưng không thấy anh tỉnh lại. Sau đó gia đình vội vã đưa nam diễn viên vào bệnh viện tuy nhiên không thể cứu sống được anh.

Trang Thairath đưa tin, đội ngũ y tế đã hỗ trợ và xác định nguyên nhân khiến Beam đột tử, đó chính là do trụy tim dù trước đó nam diễn viên vô cùng khỏe mạnh, không hề mắc bệnh tim bẩm sinh.

Trường hợp của nam diễn viên cũng giống như một lời cảnh báo tất cả chúng ta về những rủi ro sức khỏe xảy ra khi đang ngủ say.

Trụy tim là gì? Nhóm người nào có nguy cơ bị trụy tim cao nhất?

Trụy tim là một thuật ngữ chỉ tình trạng lưu lượng máu não không đủ duy trì trạng thái thức tỉnh của não bộ do tim và/hoặc mạch máu ngoại biên bị rối loạn chức năng cấp tính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trụy tim mạch, trong đó phổ biến nhất là rung thất và rung nhĩ, đặc biệt là trên những bệnh nhân xơ vữa động mạch vành cấp hoặc mạn tính.

Khi bị trụy tim, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng là: Ngã xuống đột ngột, ngừng thở, đau ngực, choáng, ngất, khó thở, đau ở hai cánh tay, đau cổ, đau lưng, đau hàm dưới, đau thượng vị, toát mồ hôi.

Nhóm người nào có nguy cơ bị trụy tim cao nhất?

1. Người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch vành cấp và mạn tính, bệnh phì đại cơ tim, bệnh cơ tim giãn nở, viêm cơ tim, bệnh van tim, bất thường điện sinh lý tim,...

2. Người có tiền sử trụy tim hoặc gia đình có người từng bị trụy tim.

3. Người có thói quen sử dụng các chất kích thích.

4. Người có chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, mức độ kali và magie thấp.

5. Người hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì.

6. Người mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol máu.

Ngoài trụy tim, đây là 5 nguyên nhân phổ biến có thể khiến một người đột tử trong khi ngủ

Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người chết trong giấc ngủ của họ. Có một sự khác biệt giữa cái chết trong khi ngủ và chết khi bất tỉnh do mắc bệnh đó là: Người lớn tuổi và người bị bệnh ít có nguy cơ bị chết trong lúc ngủ hơn so với những người trẻ tuổi.

Khi có ai đó đột tử trong khi ngủ, hiếm khi khám nghiệm tử thi được thực hiện, trừ khi có những dấu hiệu bất thường. Nguyên nhân cái chết thường được kết luận không rõ ràng. Giấy chứng tử có thể ghi những lý do không cụ thể như suy hô hấp, chết vì nguyên nhân tự nhiên...

Một số nguyên nhân sau có thể khiến một người tử vong khi đang ngủ say:

1. Ngộ độc khí

Trong một số trường hợp, tử vong trong khi ngủ có thể xảy ra do một số yếu tố bên ngoài, tác động từ môi trường sống. Ví dụ, ngộ độc khí carbon monoxide (CO) do hệ thống thông gió bị lỗi và nguồn sưởi kém.

Carbon monoxide (CO) là loại khí không màu, không mùi, thường tồn tại trong khí thải xe cộ, bếp, lò nướng, lò sưởi... Khí này không thể phát hiện nếu không có thiết bị chuyên dụng.

Nếu tích tụ đủ nhiều CO trong không gian chật hẹp, CO sẽ khiến con người bị ngộ độc. Nạn nhân tỉnh táo thường xuất hiện triệu chứng như chóng mặt, suy nhược, đau đầu, đau bụng. Nếu đang ngủ, họ rất dễ tử vong trước khi kịp nhận ra bất cứ điều gì bất thường.

2. Lạm dụng thuốc

Thuốc được dùng để điều trị các rối loạn y tế, bao gồm đau và mất ngủ, cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong trong khi ngủ. Điều này có thể xảy ra nhiều hơn nếu lạm dụng thuốc hoặc uống chung thuốc với rượu.

Đặc biệt, các loại thuốc an thần và opioid có thể làm thay đổi hoặc ức chế hô hấp. Các tình trạng đau đớn như ung thư, có thể cần nồng độ morphin để đẩy nhanh quá trình chết bằng cách làm chậm quá trình hô hấp.

3. Suy giảm chức năng tim, phổi

Thông thường, sự suy giảm chức năng của tim và phổi là nguyên nhân gây đột tử.

Suy giảm cấp tính của chức năng tim, chẳng hạn như một cơn đau tim lớn, nhanh chóng tác động lưu lượng máu đến não và có thể dẫn đến suy hô hấp nhanh chóng. Phổi cũng có thể nhanh chóng chứa đầy chất lỏng, xuất hiện tình trạng phù phổi do suy tim.

4. Nhồi máu cơ tim

Các cơn đau tim xảy ra khi một mạch máu (hoặc động mạch vành) cung cấp cho mô cơ bị tắc nghẽn tạo nên cục máu đông, lượng mô bị hư hỏng hoặc chết. Tình trạng này dẫn đến việc suy tim và gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi đang ngủ, con người không thể yêu cầu can thiệp y tế vì thế khả năng tử vong cao.

5. Ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ (tai biến mạch máu não) trong lúc ngủ. Khi một người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, không khí sẽ không thể vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó gây nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm đột quỵ, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

Những ai ngủ ngáy, mà có thêm 5 dấu hiệu là chóng mặt, mệt mỏi, giảm trí nhớ, hay thức dậy giữa đêm, khó tập trung thì nên đi khám kịp thời. Trong đó, những người béo phì, nghiện rượu, dị tật ở vòm họng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nhất nên cần đặc biệt lưu ý.

Ngoài ra, một người còn có thể tử vong trong khi ngủ vì bị rối loạn nhịp tim, đột quỵ, phình động mạch não, mắc chứng ngừng tim đột ngột...

Để tránh nguy cơ đột tử vào ban đêm, bạn cần lưu ý các triệu chứng của mình bao gồm mất ngủ, hoặc các dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ (tạm dừng thở, ngáy, tiểu đêm, nghiến răng, buồn ngủ quá mức vào ban ngày...). Bạn nên quan tâm chăm sóc sức khỏe tổng thể và đừng quên giữ gìn một lịch trình ngủ nghỉ khoa học, lành mạnh.

Đậu Đậu

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nam-dien-vien-26-tuoi-thai-lan-dot-tu-trong-luc-dang-ngu-say-neu-thuoc-nhung-nhom-nguoi-nay-ban-cung-nen-can-than-22202224318179746.htm