Nam Định: Cần đảm bảo lợi ích các bên tại dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ
Để phục vụ cho công tác xây dựng cụm kênh nối Đáy - Ninh Cơ, Bộ GTVT cũng như UBND tỉnh Nam Định đã tiến hành xây dựng hoàn trả một số công trình trong diện bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó đường ống cấp nước sạch của Công ty Mai Thanh làm chủ đầu tư, gặp bất cập và khó khắc phục, sửa chữa khi xảy ra sự cố mà Công ty Mai Thanh đã làm đơn gửi đến ĐBQH và Ban Dân nguyện, UBTVQH.
Nhà máy nước sạch này được đầu tư hiện đại với tổng nguồn vốn hơn 426 tỷ đồng. Dự án có công suất hơn 28.000m3/1 ngày đêm, cung cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc 9/10 xã, vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng. Tuy nhiên, theo Quyết định số 1256 của UBND huyện Nghĩa Hưng, tới đây, đường ống dẫn nước sạch của nhà máy sẽ bị cưỡng chế để phục vụ thi công dự án Kênh nối Đáy – Ninh Cơ. Thay vào đó, nhà máy sẽ được hoàn trả đường ống dẫn nước khác, được thiết kế đi ngầm dưới đáy kênh.
Với lý do không đảm bảo kỹ thuật, đặc biệt không đáp ứng yêu cầu khi sự cố xảy ra có thể khắc phục trong vòng 72h theo quy định, Công ty Mai Thanh – chủ đầu tư dự án nhà máy nước sạch - không đồng tình với phương án hoàn trả tuyến ống đi ngầm 13m dưới đáy kênh mà UBND huyện Nghĩa Hưng, đơn vị được UBND tỉnh Nam Định giao làm chủ đầu tư đề xuất.
Bà NGUYỄN MAI THANH – Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh: “Khi UBND huyện Nghĩa Hưng và chủ đầu tư tự hiệp y với nhau ép chúng tôi phải nhận một công trình ngầm như vậy và chính tư vấn thiết kế đã nêu ngay trong hồ sơ thuyết minh phương án lựa trọn là có một nhược điểm lớn nhất không thể kiểm tra, khắc phục sự cố khi công trình cấp nước đi vào vận hành thì khác gì trao cho chúng tôi một quả bom nổ chậm. Và khi quả bom này nổ thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm đối với công ty chúng tôi.”
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tuyến ống cung cấp nước sạch là một công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp và tác động trực tiếp đến hàng nghìn người dân thì nên để Bộ GTVT làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng hoàn trả như một loạt các công trình hiện hữu khác như bến phà đò 10, hệ thống điện cao thế, kênh mương thủy lợi, thay vì giao cho UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư và UBND huyện Nghĩa Hưng thực hiện xây dựng hoàn trả.
Trong buổi làm việc với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, lý giải cho việc UBND tỉnh Nam Định quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Mai Thanh đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch khi đã biết trước có dự án Kênh nối Đáy – Ninh Cơ, bà Hà Lan Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do yêu cầu cấp thiết nên tỉnh đã xem xét để đồng ý cho Công ty Mai Thanh đầu tư dự án này và khẳng định, việc cấp phép này là đúng và phù hợp.
Bà HÀ LAN ANH – Phó Chỉ tịch UBND tỉnh Nam Định: “Việc cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Mai Thanh, tỉnh thực hiện từ năm 2015. Do dự án có yêu cầu cấp thiết, tỉnh buộc phải xem xét để đồng ý cho Công ty Mai Thanh đầu tư dự án này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phía tỉnh chúng tôi cũng có những thiếu sót, đó là chưa xin ý kiến của Bộ GTVT vì nó liên quan đến Kênh nối Đáy.”
Bên cạnh đó, bà Hà Lan Anh cũng cho biết, việc chọn phương án xây dựng đường ống đi nổi tuy có ưu điểm là thuận lợi cho việc duy tu bảo dưỡng trong quá trình khai thác sử dụng, nhưng nó ảnh hưởng đến mỹ quan công trình và kinh phí xây dựng lớn. Sau khi xin ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đồng ý phương án đi ngầm.
Thực hiện : Trần Tiến Ngọc Tuấn Khánh Hoàng