Nam Định: Hạn chế tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em

Tỉnh Nam Định có bờ biển dài 72km, cùng với hệ thống các sông lớn chảy qua địa phận với chiều dài hơn 250km; hệ thống kênh, mương, ao, hồ, đầm đan xen khắp nơi trên toàn tỉnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt vào mùa hè.

Một lớp dạy bơi cho các em nhỏ ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Một lớp dạy bơi cho các em nhỏ ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra hơn 20 vụ đuối nước, làm chết 27 người, trong đó có 13 trẻ em.

Theo ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng tránh tai nạn đuối nước chưa cao; thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn với trẻ; trong khi trẻ em thường hiếu động, nhiều em chưa biết bơi, thể lực yếu, không có kỹ năng bảo đảm an toàn khi bơi.

Mặt khác, môi trường chung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông, ngòi, ao, hồ chằng chịt, thiếu biển cảnh báo.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, giảm thiểu, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt tử vong do đuối nước, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ trẻ em; đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và trẻ em về phòng chống đuối nước; tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, giám sát, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến các kiến thức cơ bản về đuối nước, các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, cách phòng tránh và sơ cứu đúng cách...

Tỉnh chỉ đạo tổ chức các lớp dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho 720 trẻ em; tập huấn nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước trẻ em cho 900 người là giám hộ, phụ huynh, giáo viên mầm non, cán bộ xã, các gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi.

Một số mô hình đã được triển khai, như mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em” tại 2 xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), bao gồm: tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho Ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em và cộng tác viên của 2 xã; tổ chức cho 1.200 hộ gia đình ký cam kết bảo đảm ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo, thực hiện phòng chống đuối nước trẻ em; yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Tỉnh Nam Định phấn đấu giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; có 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; đến năm 2025 có 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tỷ lệ này là 90% vào năm 2030.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-dinh-han-che-toi-da-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-post808945.html