Nam Định: Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh và phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, những năm qua, Nam Định rất quan tâm thực hiện các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định tổ chức thả một triệu con giống xuống sông Hồng để tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy.

Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định tổ chức thả một triệu con giống xuống sông Hồng để tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, huyện Giao Thủy.

Hình thành các vùng nuôi lớn

Hàng chục năm về trước, Nông trường Bạch Long, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy là “thủ phủ” của nghề trồng cói. Tuy nhiên theo thời cuộc, nghề dệt chiếu cói truyền thống không còn phát huy hiệu quả kinh tế. Thực hiện chương trình phát triển thủy sản, tỉnh Nam Định đã triển khai 40 dự án chuyển đổi gần 3.000ha đất trồng lúa, trồng cói, sản xuất muối kém hiệu quả sang khai thác nuôi trồng thủy sản; trong đó có gần 200ha trồng cói của Nông trường Bạch Long, nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông nghiệp Bạch Long.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Công ty cho biết: Hầu hết diện tích của nông trường cũ đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, với hàng trăm hộ tham gia, sản lượng hằng năm khoảng 2.000 tấn cá, tôm thương phẩm các loại. Với sản phẩm chủ lực là cá trắm đen, ngoài ra còn có tôm thẻ chân trắng, cá chép, cá diêu hồng, đối mục..., trung bình doanh thu mỗi ha của người nuôi đạt 500 triệu đồng/năm, cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng cói, trồng lúa trước kia.

Theo đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi Cục trưởng Thủy sản Nam Định, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản bền vững, với diện tích đất nuôi trồng hơn 17.000ha, có 72km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực nuôi trồng. Các đối tượng nuôi đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao, trở thành sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, ngao và cá biển; phương thức nuôi được chuyển dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh.

Trang trại nuôi ngao vạng và tôm thẻ chân trắng của anh Nguyễn Đại Dương (xã Giao An, huyện Giao Thủy), một trong 100 nông dân xuất sắc nhất cả nước năm 2023.

Trang trại nuôi ngao vạng và tôm thẻ chân trắng của anh Nguyễn Đại Dương (xã Giao An, huyện Giao Thủy), một trong 100 nông dân xuất sắc nhất cả nước năm 2023.

Việc ứng dụng khoa học cộng nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp cho người nuôi không ngừng tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh liên tục tăng cao qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Từ năm 2012 đến 2022, Nam Định đã tăng gấp 2, 3 lần sản lượng, từ hơn 54.000 tấn lên gần 128.000 tấn thủy sản.

Hiện toàn tỉnh có hơn 15.000ha nuôi trồng thủy sản với khoảng 5.500ha nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh (trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 3.500ha, nuôi nước mặn-lợ 2.000ha) với 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt gần 134.000 tấn, tăng khoảng 4% so năm 2022.

Bên cạnh các sản phẩm tôm, cá, Nam Định cũng phát triển mạnh nghề nuôi ngao. Hiện nay, tổng diện tích nuôi ngao trên toàn tỉnh là hơn 2.350ha, sản lượng ngao trung bình những năm gần đây đạt khoảng 40.000 tấn/năm, với thương hiệu ngao sạch Giao Thủy đã được khẳng định trên thị trường. Người dân đã làm chủ được hoàn toàn công nghệ sản xuất giống, chủ động được nguồn giống tại địa phương, các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh phát triển ổn định.

Đặc biệt, đối với vùng nuôi ngao thương phẩm huyện Nghĩa Hưng, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam và các hộ nuôi ngao hình thành “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” rộng 500ha ở xã Nam Điền. Đây là vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho thương hiệu ngao Meretrix Lyrata.

Phát triển theo hướng bền vững

Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi Cục trưởng Thủy sản Nam Định cho biết, để phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, giúp người nuôi có thể chủ động quản lý môi trường nuôi trồng và cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch trong nuôi trồng thủy sản.

Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp đơn vị thực hiện quan trắc môi trường tổ chức lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường tại 17 điểm nguồn nước trên 4 nhóm đối tượng nuôi (tôm nước lợ, ngao, cá nước ngọt, cá nuôi lồng bè) với tần suất 2 lần/tháng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi-Thú y đã phối hợp Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền bắc (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) định kỳ tiến hành giám sát chủ động các bệnh nguy hiểm trên một số đối tượng thủy sản. Hằng tháng, kết quả kiểm tra mẫu và khuyến cáo xử lý đã được kịp thời gửi tới các cơ quan quản lý và chủ cơ sở giám sát. Một số mẫu kiểm tra phát hiện mầm bệnh đều được hướng dẫn xử lý kịp thời, không lây lan và phát sinh dịch bệnh tại địa phương.

Việc ứng dụng khoa học hiện đại, chuyển đổi phương thức nuôi trồng và quan tâm tái tạo nguồn lợi thủy sản đang giúp ngành thủy sản tỉnh Nam Định có bước phát triển ổn định, bền vững.

Việc ứng dụng khoa học hiện đại, chuyển đổi phương thức nuôi trồng và quan tâm tái tạo nguồn lợi thủy sản đang giúp ngành thủy sản tỉnh Nam Định có bước phát triển ổn định, bền vững.

Việc quản lý và chỉ đạo sản xuất giống thủy sản luôn được Nam Định xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong việc bảo đảm phát triển sản xuất thủy sản, cung ứng kịp thời giống thủy sản đáp ứng tốt yêu cầu của người dân. Năm 2023, với 100 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, toàn tỉnh đã sản xuất được hơn 16 tỷ con giống các loại.

Trong đó, hoạt động sản xuất giống mặn lợ được tập trung phát triển mạnh với hơn 90 cơ sở, hằng năm các cơ sở sản xuất được từ 12 đến 15 tỷ con giống, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi thả của toàn tỉnh. Đối tượng giống được sản xuất mạnh là các loài nhuyễn thể như ngao, hàu Thái Bình Dương và một số loài cá biển...

Với giống nước ngọt, Nam Định chủ yếu ương dưỡng các loài cá truyền thống, sản xuất trung bình khoảng 1 tỷ con giống/năm. Một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao chủ yếu phải nhập ngoài tỉnh như cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm đen.

Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đều tổ chức phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với hoạt động thả một triệu con cá giống xuống sông Hồng. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng giúp cân bằng sinh thái tự nhiên, đồng thời cũng là một hình thức tuyên truyền để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Với những bước đi đúng đắn và kết quả đã đạt được, Nam Định tiếp tục hướng tới khai thác các lợi thế, tiềm năng của tỉnh để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững với các sản phẩm an toàn, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-dinh-phat-trien-nuoi-trong-thuy-san-ben-vung-post787381.html