Nam Định quyết liệt giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án tạo động lực bứt phá

Năm 2025, tỉnh Nam Định tiếp tục tăng tốc triển khai nhiều dự án đầu tư chiến lược về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Do đó, việc giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án được tỉnh triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm tiến độ thi công, hiệu quả đầu tư.

Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển đang được đẩy nhanh tiến độ.

Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển đang được đẩy nhanh tiến độ.

Trong các dự án đang được tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng, có Tổ hợp dự án sản xuất thép xanh, vốn đầu tư gần 100 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện, sử dụng diện tích hơn 425ha đất tại khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), được xác định là dự án trọng điểm, thuộc nhóm dự án động lực của tỉnh.

Đến nay, phần lớn các hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để triển khai dự án; tuy nhiên, một số ít hộ thuê đất tại đây không dừng sản xuất khi hợp đồng thuê đất đã hết hạn để bàn giao mặt bằng cho địa phương.

Với mục tiêu bàn giao mặt bằng “sạch” đúng hạn để thực hiện dự án, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo huyện Nghĩa Hưng tổ chức cưỡng chế (ngày 23/4), thu hồi đất đối với 9 hộ dân có vi phạm pháp luật đất đai, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 105.000m2.

Theo đồng chí Hoàng Trọng Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng, việc tổ chức cưỡng chế là biện pháp cần thiết sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình hỗ trợ, vận động thuyết phục kéo dài; mục tiêu cao nhất là vì lợi ích chung, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo “bước đệm” quan trọng để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia kiến tạo, xây dựng phát triển kinh tế bền vững và nâng cao đời sống cho người dân.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đặc biệt chú trọng tháo gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ thi công các hạng mục.

Đơn cử, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, có ý nghĩa chiến lược trong liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Hồng; đoạn đi qua địa bàn tỉnh Nam Định dài khoảng 27,6km.

Ngay sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương dốc toàn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết liệt nhất, chuyển hóa thành hành động cụ thể; mục tiêu đặt ra là bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong tháng 4/2025 và hoàn tất giải phóng mặt bằng đất thổ cư trước tháng 9/2025, thể hiện rõ quyết tâm chạy đua với thời gian để bảo đảm tiến độ thi công dự án.

Đến nay, đã hoàn tất di chuyển mồ mả, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cho 2.587/3.704 hộ dân, với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, trong đó đã chi trả 180 tỷ đồng. Công tác đo đạc, kiểm đếm đất ở cho 515 hộ dân, bố trí tái định cư cho 448 hộ cũng đang được các địa phương thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, dân chủ và minh bạch.

Được biết, để tháo gỡ dứt điểm những “nút thắt” vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng bền vững, hiện đại, mở đường cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống, tỉnh Nam Định thành lập Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận, thống nhất và bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình trọng điểm.

Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, yêu cầu các cấp, các ngành vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, nhất là với các dự án mang tính động lực.

Đáng chú ý, tỉnh đã đổi mới cách làm, chủ động phân công, phân cấp rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, cá nhân; chủ động xử lý vướng mắc tại chỗ, không đùn đẩy trách nhiệm, không chờ chỉ đạo mới triển khai, qua đó đã tạo chuyển biến rõ rệt.

Đơn cử, những “điểm nghẽn” như xác định nguồn gốc đất, giá đất, phương án đền bù đã được các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương rà soát, đối chiếu quy định, tham vấn ý kiến bộ, ngành Trung ương, sớm đưa ra hướng xử lý để tháo gỡ cho cơ sở.

Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, lợi ích của dự án, quyền lợi của người dân được công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, từ đó rút ngắn thời gian vận động, giải thích, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Song song với việc thực hiện công tác sắp xếp bộ máy, tỉnh Nam Định chỉ đạo tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm, tránh tình trạng tiến độ dự án bị "chững" lại trong giai đoạn chuyển tiếp khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp; nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành những hạng mục lớn, bảo đảm thi công đúng kế hoạch.

Có thể kể đến như: Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình (tỉnh lộ 490) giai đoạn 2, hiện đang hoàn thành các hạng mục hệ thống an toàn giao thông, công trình phụ trợ; Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484), cầu Lạc Quần đã hợp long; hiện đang bảo đảm tiến độ thi công tuyến theo kế hoạch…

Kết quả từ các dự án chính là minh chứng cho việc hướng đến mục tiêu cao nhất đó là người dân được hưởng lợi tối đa từ các dự án, tạo thế và lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ, cũng là để hướng đến sự đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng đối với những dự án đang triển khai của tỉnh.

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-dinh-quyet-liet-giai-phong-mat-bang-phuc-vu-cac-du-an-tao-dong-luc-but-pha-post875136.html